13/07/2017 - 17:37

Thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

Lo chuẩn giáo viên

Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" (gọi tắt là Đề án) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khởi xướng, hướng đến mục tiêu năm 2025, đại đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực để sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc. Thế nhưng, tại Hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án do Bộ GD&ĐT tổ chức qua 6 điểm cầu trên cả nước ngày 17-9 vừa qua, nhiều đại biểu tiếp tục băn khoăn về chuẩn giáo viên…

CHƯA ĐẠT YÊU CẦU

Theo Ban Quản lý Đề án, lộ trình từ nay đến năm 2020, một trong những mục tiêu mà đề án đưa ra là phải hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học và trình độ đào tạo theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong đó có 100% giáo viên ngoại ngữ các cấp học phổ thông đạt chuẩn; đảm bảo đủ giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn, ít nhất 70% giáo viên ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 40% giáo viên tiếng Anh các địa phương còn lại đạt chuẩn quy định Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam…

 

 Đội ngũ giáo viên tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Trong ảnh: Giờ học nghe – nói của cô trò Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Để đạt mục tiêu này, thời gian qua, Trung ương và địa phương rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên chuyên và không chuyên ngoại ngữ. Thế nhưng qua rà soát, kiểm tra đánh giá chuẩn giáo viên ngoại ngữ một số đơn vị, đội ngũ giáo viên chuyên ngữ chưa đạt yêu cầu. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, đợt đầu khảo sát 922/ 1.044 giáo viên (3 cấp tiểu học, THCS, THPT) về năng lực tiếng Anh; kết quả: trình độ A1 đạt 9,19%; A2: 28,83%; B1: 37,26%; B2: 7,28%; C1: 0,38%. Sau khi bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và kết thúc năm học 2015-2016 còn 27,6% giáo viên chưa đạt chuẩn. Qua khảo sát năm 2011, tỉnh Bến Tre có 1 giáo viên tiếng Anh THCS đạt chuẩn; đến tháng 8-2016, số giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn chiếm 30,91%… Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Tây Nguyên, tỉnh còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ; nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên. Giảng viên đôi khi gặp khó khăn trong sắp xếp giữa công tác giảng dạy và thực hiện đề án. Cán bộ trực tiếp làm đầu mối, tham gia điều hành đề án tại đơn vị còn gặp khó trong tiếp cận ban đầu vì phần lớn chỉ làm công tác chuyên môn…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, cho biết: "Việc triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới ở 3 cấp học, nhất là cấp THCS và THPT đạt kết quả thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân là do số lượng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ngôn ngữ rất thấp; thiếu giáo viên đạt chuẩn để mở lớp tiếng Anh theo chương trình mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ giáo viên/ lớp ở tiểu học là 1,5/ lớp, không có định mức biên chế giáo viên tiếng Anh ở cấp học này. Ngoài ra, khi có giáo viên đạt chuẩn thì phát sinh khó khăn về chất lượng giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học không đáp ứng chuẩn đầu ra, nên không có học sinh đủ chuẩn bậc 1 để mở lớp 6 ở bậc THCS cho chương trình mới".

GIẢI PHÁP NÀO?

Tại Hội nghị trực tuyến, phần lớn đại biểu đồng tình chọn 3 yếu tố quan trọng để tập trung thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo gồm: Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, công tác khảo thí và nguồn tài nguyên học liệu. Trong đó con người là yếu tốt quyết định thành công của đề án, vì phải đầu tư lâu dài, bền vững. Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Để đề án đạt hiệu quả, cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ. Trước mắt, các cơ quan quản lý giáo dục cần ban hành các thể chế quy định việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên hàng năm là bắt buộc. Theo đó, giáo viên sẽ đăng ký tham gia bồi dưỡng trực tuyến thường xuyên trong năm và ít nhất một lần được cử tham gia bồi dưỡng trực tiếp tại một trong những đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ bồi dưỡng. Việc tổ chức bồi dưỡng cần được thống nhất thực hiện bởi các cơ sở hay trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trọng điểm…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, phải biến hoạt động thực tiễn của Đề án thành quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên lâu dài, thường xuyên; nên khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, đi thi các chứng chỉ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc IELTS, TOEFL…, miễn sao các thầy cô đạt chuẩn. Đồng thời có chính sách ưu tiên bố trí sử dụng, bổ nhiệm về các vị trí chuyên môn những giáo viên đó, thậm chí hỗ trợ kinh phí tự bồi dưỡng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, cho rằng: Giáo viên ngoại ngữ không thể nâng chuẩn trong thời gian ngắn, cần thiết phải kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng; tăng cường tự học dưới hình thức online, sau đó có thời gian tập trung trong hè. Đồng thời xây dựng Thông tư về định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường phổ thông công lập, thay thế Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGDĐT-BNV, trong đó nâng tỷ lệ giáo viên/lớp ở tiểu học lên 1,5/lớp mới có thể định mức cho giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học; không nên quy định giá trần bồi dưỡng 10 triệu đồng/giáo viên.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong dạy và học ngoại ngữ. Việc áp dụng theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu 6 bậc có tài liệu nhưng vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; giáo viên cố gắng nhiều nhưng không hiệu quả. Tuy nhiên, có một thực tế, không ngoại trừ một số trường hợp chạy chứng chỉ để đảm bảo hồ sơ đứng lớp; có đào tạo nhưng phương thức cũ; trách nhiệm các trường sư phạm, nhất là các trường chuyên ngữ chưa được chú trọng đúng mức. Phần lớn giáo viên đi học vào mùa hè, vất vả nhưng hiệu quả không cao. Trong khi nhiều người trên thế giới học với hình thức online; thầy cô có thể học mọi lúc mọi nơi, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo: "Các đơn vị, trường học cần tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường sư phạm. Nếu những thầy cô yếu quá, khả năng đạt chuẩn quá xa thì chuyển công tác khác. Bởi vì, Đề án không phải phục vụ mọi người nâng cao trình độ mà là xương sống, tạo môi trường để học ngoại ngữ. Chúng ta không đưa ra mục tiêu khi nào tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai nhưng phải tạo dần thay đổi; cần xem việc học ngoại ngữ phục vụ công việc, cuộc sống".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết