30/06/2018 - 19:42

Linh hoạt và tạo sự tin cậy

Ban Kinh tế Trung ương vừa chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (NQ 21) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế( BHYT) giai đoạn 2012-2020. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột; đồng thời, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc triển khai thực hiện NQ 21 của Bộ Chính trị đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia; chế độ hưu trí, tử tuất được thiết kế theo hướng tiệm cận với nguyên tắc đóng- hưởng, từng bước hướng đến sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng;…

Bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn không ít vấn đề cần đặt ra trong quá trình thực thi các chính sách BHXH, BHYT. Điều đáng lo ngại nhất là tỷ lệ người lao động nhận BHXH một lần đang tăng rất cao. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 700.000 người lao động hưởng trợ cấp thôi việc 1 lần. Điều này cũng có nghĩa là khoảng 700.000 người đã ra khỏi hệ thống an sinh xã hội.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 5-2018 do BHXH Việt Nam tổ chức, trong tháng 5-2018, toàn ngành đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần. Lũy kế 5 tháng đầu năm đã giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 296.916 người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần. Nguyên nhân của thực trạng này được lý giải là do: lao động khi mất việc, hầu hết không có hy vọng tìm được công việc khác có nguồn thu nhập ổn định để tham gia BHXH nên muốn nhận trợ cấp một lần; chính sách BHXH chưa thật sự linh hoạt và hấp dẫn khi mà phải đóng ít nhất 20 năm- một thời gian quá dài- người lao động mới nhận được lương hưu.

Bên cạnh đó, là những vấn đề: tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH thấp, chỉ khoảng 1/3 trong hơn 600.000 doanh nghiệp trên cả nước. Nguyên nhân cũng liên quan đến chính sách khi mà thời gian đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu quá dài (20 năm); xây dựng chính sách BHXH chưa linh hoạt; thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước… Ngoài ra, còn thiếu sự liên thông dữ liệu giữa ngành kế hoạch- đầu tư, ngành thuế và ngành BHXH để quản lý chặt chẽ giữa cơ quan đăng ký thành lập doanh nghiệp - cơ quan thuế và cơ quan BHXH.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. 11 nội dung cải cách được nêu trong Nghị quyết 28-NQ/TW (rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu, sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng chính sách BHXH đa tầng để bảo đảm sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các nhóm đối tượng tham gia...) nhằm mang lại lợi ích lâu dài và thiết thực cho người lao động.

BHXH là vấn đề thiết thân, liên quan đến tương lai lâu dài của người lao động. Vì vậy, người lao động đang trông chờ những cải cách về BHXH như Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đã khẳng định rằng, với định hướng BHXH toàn dân, thời gian tới đây, các quy định sẽ được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, hấp dẫn người dân tham gia BHXH nhiều hơn, bảo đảm để mọi người dân đều được bảo đảm an sinh ở mức tối thiểu trở lên.

Chính sách BHXH linh hoạt, tạo được sự tin cậy cho người dân; sự nhận thức sâu sắc về lợi ích, ý nghĩa của BHXH chính là lời giải cho những vấn đề đáng lo ngại về sự gia tăng số lượng người hưởng BHXH một lần, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, số lượng doanh nghiệp tham gia BHXH còn thấp,…

NGUYỄN KHUÊ

Chia sẻ bài viết