08/08/2017 - 21:44

Linh hoạt giải bài toán vốn

Thiếu vốn  đã và đang là thực trạng chung của các xã hiện nay trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, mỗi địa phương lại chọn cách “đối mặt” với vấn đề này khác nhau. Trong khi một số xã “giậm chân tại chỗ” hoặc ngồi chờ “hỗ trợ”, nhiều địa phương đã nhạy bén, tìm nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt.

Trong số 19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được cụ thể thành 39 chỉ tiêu có đến 12 chỉ tiêu hoàn toàn có thể triển khai thực hiện mà không cần đầu tư lớn về kinh phí. Đơn cử như tiêu chí về văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, an ninh trật tự xã hội, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất…

Trong khi đó, đây là những chỉ tiêu gắn liền với chất lượng đời sống của nhân dân. Do vậy, nếu sớm được triển khai thực hiện, chắc chắn sẽ tạo ra thay đổi quan trọng cho bộ mặt nông thôn, tạo lập niềm tin trong nhân dân.

Tại nhiều địa phương, để khắc phục tình trạng thiếu vốn, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chuyên đề, phát động sâu rộng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng sôi nổi thi đua “Cùng chung sức XDNTM”. Tiêu biểu cho hoạt động này là phong trào tăng gia sản xuất phụ thuộc vào sự quyết tâm của người dân và cả sự sâu sát, năng động của lãnh đạo địa phương.

Tiêu chí về môi trường, ngoài việc phải mua phương tiện vận chuyển rác, đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch thì trước hết chính quyền cơ sở cũng phải nỗ lực trong tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan chung.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, các xã cần rà soát các hạng mục, ưu tiên các công trình dễ thực hiện, cần ít vốn đầu tư trước, đồng thời tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các công trình cần kinh phí lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đóng góp cho XDNTM cũng cần nhìn nhận lại. Bởi người dân đóng góp cho XDNTM không chỉ bằng tiền mà cả bằng công sức, trí tuệ. Thậm chí có những chỉ tiêu chỉ người dân mới làm được. Lấy ví dụ như việc cải tạo lại nhà ở; bố trí lại khuôn viên nơi ở; cải tạo vườn, ao, chuồng, hàng rào, tiêu thoát nước, công trình vệ sinh… đảm bảo vệ sinh cho không gian sống và xây dựng nếp sống văn minh thì người dân phải làm là chính.

Trước tình hình nguồn vốn ngân sách phân bổ còn eo hẹp, đòi hỏi các địa phương phải có nhiều giải pháp thấu đáo trong XDNTM. Đó là những giải pháp làm sao để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, của mỗi người dân theo hướng đem lại hiệu quả cao nhất và tiết kiệm chi phí nhất.

Công cuộc  XDNTM  phía trước sẽ còn nhiều khó khăn phải vượt qua và vấn đề thiếu nguồn vốn cho nông thôn mới còn tiếp diễn. Nhưng tin rằng, nếu tư duy, nhận thức của cán bộ cơ sở và từng hộ nông dân được khơi thông thì vấn đề thiếu kinh phí để XDNTM không còn là chuyện cấp bách ở mỗi địa phương.

QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết