02/08/2008 - 21:24

Liệu đã công bằng?

Nếu dự án Luật Cán bộ, công chức được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới, dự kiến sẽ có khoảng 1,6 triệu người đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công như: giáo dục, y tế, khoa học (trừ các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước) sẽ không được coi là công chức nhà nước.

Vì vậy, vấn đề được dư luận và những đối tượng thuộc các đơn vị trên quan tâm nhất hiện nay là quyền lợi của họ sẽ như thế nào khi ra khỏi “biên chế” nhà nước? Trả lời câu hỏi này của báo giới, ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: Bộ Nội vụ sẽ có quy định cụ thể về vấn đề này theo hướng: Viên chức đã công tác tại đơn vị sự nghiệp từ năm 2003 trở về trước thì vẫn được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách như cũ; còn những người được tuyển dụng sau thời điểm này thì chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh rằng, đối với đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ được tài chính, Nhà nước vẫn bảo đảm về quyền lợi, chế độ, chính sách với người lao động, dù được tuyển dụng trước hay sau năm 2003. Đồng thời, để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chính sách hiện hành đối với đội ngũ viên chức sự nghiệp, nhằm bảo đảm ổn định xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Theo nhận định của một số giáo viên và chuyên gia luật, bãi bỏ hạn ngạch công chức là một chủ trương đúng, nhưng việc phân biệt về thời điểm “bãi bỏ” hạn ngạch công chức (người biên chế từ năm 2003 trở về trước và sau 2003) như dự thảo Luật là không công bằng. Nếu như vậy, chẳng lẽ một người vào biên chế nhà nước tháng 12 - 2002 thì theo Luật mới vẫn không có gì thay đổi, còn người vào biên chế tháng 1- 2003 thì phải “lôi ra” ký hợp đồng dài hạn, là sao?

Bên cạnh đó, còn có một vấn đề nữa cũng đang được dư luận thắc mắc: Tại sao trong dự án Luật những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào một ngạch làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý ở đơn vị sự nghiệp công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được coi là công chức nhà nước, trong khi người lao động trong cùng đơn vị sự nghiệp lại không được coi là công chức?

Về vấn đề này, ông Trần Văn Tuấn cho rằng, đây là quy định hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bởi xác định rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của nhóm đối tượng này; ràng buộc người lãnh đạo, quản lý với nhiệm vụ được giao; thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc phục vụ nhân dân. Hơn nữa, việc coi cán bộ lãnh đạo đơn vị sự nghiệp là công chức sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, định hướng và quản lý chặt chẽ các đơn vị sự nghiệp công trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, để tránh bị lợi dụng, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn sẽ qui định cụ thể các chức danh trong đơn vị sự nghiệp được xếp vào công chức.

HẢI ĐĂNG

Chia sẻ bài viết