24/10/2010 - 08:28

XUNG QUANH VIỆC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ YÊU CẦU SINH VIÊN NĂM THỨ NHẤT THI TOEIC

Liệu có cần thiết ?

Giờ học Ngoại ngữ của sinh viên tại Trung tâm Ngoại ngữ, Trường ĐHCT. Ảnh: B.N

Từ năm 2008, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) yêu cầu sinh viên trúng tuyển chính thức vào trường phải thi TOEIC để xác định trình độ ngoại ngữ. Nhiều sinh viên, giảng viên băn khoăn về vấn đề này bởi liệu có lãng phí khi mỗi năm hàng ngàn sinh viên phải tham gia thi TOEIC với lệ phí 245.000 đồng/ sinh viên?

* Sinh viên băn khoăn

Bạn Nguyễn T.M.L., sinh viên lớp Cơ khí chế biến K36, Khoa Công nghệ Trường ĐHCT, cho biết: “Đầu năm học, tôi phải đóng trên 3 triệu đồng tiền học phí, bảo hiểm y tế,... Trong đó có 245.000 đồng lệ phí thi TOEIC. Tùy vào kết quả của kỳ thi, tôi sẽ được miễn học phần Anh văn căn bản của khóa học. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình khó có thể đạt kết quả cao vì ở phổ thông, tôi không đầu tư nhiều cho môn ngoại ngữ”. M.L. ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, hoàn cảnh rất khó khăn. Trong thời gian chờ kết quả trúng tuyển đại học, hằng ngày, L. phải đạp xe hơn 10 cây số làm thêm, kiếm 70.000 đồng/ngày để dành dụm đóng học phí. Theo M.L., trường qui định đóng tiền thi TOEIC thì sinh viên có nghĩa vụ đóng, nhưng với những sinh viên khó khăn thì đây là khoản không nhỏ.

Phạm T.T.Ng., ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, sinh viên Kế toán K36, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh Trường ĐHCT, thắc mắc: “Đầu năm, tôi đóng trên 1,3 triệu đồng tiền học phí, bảo hiểm, thi TOEIC. Gia đình tôi không đến nỗi quá khó khăn để đóng các khoản tiền này, nhưng có nhất thiết phải thi TOEIC đầu vào đại học? Là học sinh ở huyện, tôi không có điều kiện học ngoại ngữ như các bạn ở trung tâm thành phố. Thời gian 1 tháng ôn luyện thi TOEIC cũng không thể cải thiện trình độ Anh văn là mấy, vì vậy khó mà đạt điểm cao và tất nhiên, tôi phải học lại các học phần Anh văn căn bản. Như vậy, khoản chi phí này có quá lãng phí?”.

* Liệu có cần thiết?

Trao đổi về vấn đề thi kiểm tra TOEIC quốc tế, ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐHCT, giải thích: “Trường yêu cầu thi TOEIC đối với sinh viên nhập học vào trường là để kiểm tra trình độ sử dụng tiếng Anh của sinh viên, từ đó, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Những sinh viên không giỏi Anh văn, ở vùng sâu, xa, có thể chưa đạt kết quả cao khi thi nhưng vẫn phải thi để biết năng lực của mình như thế nào. Và dự thi là một kinh nghiệm chứ không phải không đạt được kết quả tốt là bỏ phí”. Theo ông Xê, qui định thi TOEIC là của riêng Trường ĐHCT, và trường có thẩm quyền quyết định vấn đề này.

Hiện nay, Trường ĐHCT đang thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ, chương trình đại học còn 120 tín chỉ. Trong đó, ngoại ngữ (Anh văn, Pháp văn) thuộc khối kiến thức chung. Học phần Anh văn dành cho sinh viên không chuyên gồm 10 tín chỉ và chia làm 3 phần: Anh văn căn bản 1 (4 tín chỉ), Anh văn căn bản 2 (3 tín chỉ), Anh văn căn bản 3 (3 tín chỉ). 3 năm học gần đây, Trường ĐHCT kết hợp với Viện khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (thông qua đại diện tại Việt Nam là Công ty IIG Việt Nam) tổ chức thi kiểm tra trình độ sử dụng tiếng Anh cho tất cả sinh viên năm thứ nhất (trừ sinh viên dự bị đại học) bằng chương trình kiểm tra TOEIC quốc tế. Riêng 2 năm học 2008-2009 và 2009-2010, các sinh viên chuyên ngành Anh văn được miễn thi TOEIC. Việc kiểm tra trình độ ngoại ngữ nhằm giúp trường có chương trình giảng dạy phù hợp. Tùy theo kết quả thi TOEIC của sinh viên hằng năm mà trường có qui định cụ thể về việc miễn giảm học phần Anh văn căn bản. Cụ thể, năm 2008, sinh viên (khóa 34) đạt mức điểm TOEIC 605 đến 990 được miễn tất cả học phần Anh văn căn bản; đạt TOEIC 255 đến 400, sinh viên được miễn học phần Anh văn căn bản 1... Nếu kết quả TOEIC dưới 225 điểm, sinh viên phải học lại từ đầu cả 3 học phần. Năm 2009, sinh viên (khóa 35) đạt mức điểm TOEIC 400 trở lên được miễn tất cả học phần Anh văn căn bản; TOEIC dưới 200 điểm, sinh viên phải học lại từ đầu cả 3 học phần.

Theo một cán bộ giảng dạy Anh văn tại Trường ĐHCT, sinh viên đóng trên 200.000 đồng để tiếp cận với kỳ thi tiếng Anh mang tính quốc tế là không cao, nhưng nhìn tổng thể mặt bằng đời sống kinh tế của người dân ĐBSCL vẫn còn khó khăn thì đây là khoản tiền không nhỏ. Ưu điểm của kỳ thi TOEIC là giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với một kỳ thi Anh văn mang tầm quốc tế. Qua đó, sinh viên ý thức được trình độ ngoại ngữ của mình để phấn đấu học tốt; đồng thời giúp trường có chương trình đào tạo phù hợp. Nhưng, ở khía cạnh khác, kỳ thi này chỉ phù hợp đối tượng sinh viên có điều kiện học tập tại trung tâm thành phố lớn. Những sinh viên ở vùng sâu, xa khó thi đạt kết quả cao, bởi điều kiện học ngoại ngữ ở bậc THPT còn thiếu thốn. Mặt khác, thi kiểm tra đầu vào bằng chương trình kiểm tra TOEIC quốc tế nhưng vào chương trình học, sinh viên lại học chương trình Anh văn căn bản. Hiện nay, bộ giáo trình giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐHCT không xác định đầu ra cụ thể nhưng đa số giảng viên đánh giá sau khi sinh viên học xong 3 học phần Anh văn căn bản, trình độ Anh văn của sinh viên vẫn chưa đạt TOEIC 400 điểm. Như vậy, có khập khiễng khi qui đổi giữa điểm TOEIC và các học phần Anh văn căn bản của nhà trường?

Thêm vào đó, chứng chỉ TOEIC, cũng như nhiều chứng chỉ Anh văn khác, chỉ có giá trị 2 năm nên khi sinh viên ra trường phải thi TOEIC một lần nữa nếu cơ quan tuyển dụng có yêu cầu. Vì vậy, nên chăng Trường ĐHCT để sinh viên tự quyết định việc thi lấy chứng chỉ TOEIC quốc tế. Những sinh viên không có nhu cầu thi TOEIC thì chỉ cần tham dự một kỳ thi kiểm tra đầu vào bình thường để đánh giá trình độ ngoại ngữ. Như vậy, có thể góp phần tiết kiệm chi phí cho sinh viên.

NGỌC NGÂN

Chia sẻ bài viết