16/09/2011 - 08:05

Liệu BRICS sẽ giúp PIGS ?

Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên, Trung Quốc.
Ảnh: AFP

Trích dẫn nguồn tin giấu tên, báo Valor Economico của Brazil mới đây cho biết BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có thể dùng nguồn dữ trự ngoại tệ khổng lồ của họ để mua trái phiếu của một số nước châu Âu khủng hoảng nợ như Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha (PIGS). Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng các nước BRICS, bên lề hội nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, vào ngày 22-9 tới.

Cơ hội của Trung Quốc

Trung Quốc khẳng định sẵn sàng giúp châu Âu. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên hôm 14-9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố ủng hộ châu Âu giải quyết khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể trợ giúp như thế nào mà chỉ nhấn mạnh yêu cầu rằng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cần có “những bước tiến mạnh” nhằm cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Không nêu rõ nền kinh tế số hai thế giới chuẩn bị đầu tư hoặc hỗ trợ châu Âu như thế nào, ông Ôn Gia Bảo chỉ nói vấn đề quan trọng hiện nay là ngăn chặn khủng hoảng nợ ở châu Âu lan rộng.

Động thái được xem khá bất ngờ là việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo kết hợp điều kiện trợ giúp với yêu cầu châu Âu dỡ bỏ rào cản pháp lý ngăn chặn hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Ông giục EU sớm công nhận Trung Quốc là nước có “nền kinh tế thị trường”. Các nhà phân tích cho rằng với điều kiện này, Trung Quốc muốn cân bằng vị thế với châu Âu.

Cái khó của BRICS

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra tuyên bố trên sau khi Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho biết Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thảo luận khả năng tham gia giải cứu châu Âu, trước khi IMF họp về vấn đề này vào ngày 24-9.

Mặc dù BRICS được trông đợi sẽ “ra tay nghĩa hiệp” sau khi khủng hoảng ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu hơn một năm qua và nguy cơ lan rộng tới các nước khác, nhưng vấn đề là các nước thuộc BRICS lâu nay vẫn rất khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung về các chính sách hợp tác. Chưa rõ liệu BRICS có thể tiến tới cơ chế hỗ trợ cho châu Âu vào thời điểm hiện nay hay không.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hôm 14-9 lặp lại tuyên bố rằng nước này sẵn sàng tham gia giải cứu châu Âu. Với dự trữ ngoại hối trên 352 tỉ USD, Brazil có thể sử dụng 9 tỉ USD cho các khoản đầu tư hỗ trợ châu Âu. Thế nhưng, con số này khá nhỏ so với gói giải cứu cần thiết cho châu Âu. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2010, 82% dự trữ ngoại hối của Brazil là mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.

Với tổng dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỉ USD, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp châu Âu giảm gánh nặng nợ. Hy Lạp và Ý đang lôi kéo Trung Quốc mua trái phiếu của họ và thậm chí mua cổ phiếu chiến lược trong các công ty năng lượng, nhằm đổi lấy tiền mặt cần thiết. Tuy nhiên, một số nhân vật có ảnh hưởng ở Trung Quốc lại cảnh báo về những rủi ro trong đầu tư vào nợ ở châu Âu và nhắc lại điều kiện ưu tiên nhất trong đầu tư từ quỹ dự trữ ngoại hối là an toàn. Lý Đạo Quỳ, cố vấn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cảnh báo các nhà đầu tư định đổ vốn vào nợ của một số nước châu Âu cần xem “cam kết rõ ràng và các chính sách tái cơ cấu tài chính công, hệ thống phúc lợi và kinh tế của các nước đó”.

Mặt khác, các nhà quan sát cho rằng những cam kết trước đây của Trung Quốc về việc mua nợ châu Âu được thực hiện rất ít, bất chấp giới chức nước này lâu nay nói về đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ để giảm phụ thuộc vào USD. Bắc Kinh vẫn xem trái phiếu Mỹ là kênh đầu tư an toàn và dường như không muốn giải cứu Ý. Một số quan chức tài chính Ý mới đây đã gặp các đại diện Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC), quỹ đầu tư nhà nước của Bắc Kinh. Nhưng kết quả, theo các nguồn tin nước ngoài, CIC quan tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp Ý, chứ không phải trái phiếu nước này.

N. MINH
(Theo WSJ, Reuters, THX)

Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết