24/04/2011 - 08:38

Liên kết vùng để nâng cao khả năng cạnh tranh

TP Cần Thơ đóng vai trò trung tâm động lực vùng ĐBSCL.

Làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… là những vấn đề đặt ra cho các địa phương vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập. Theo các chuyên gia, các địa phương cần liên kết lại và chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể dựa trên lợi thế từng địa phương trong tương quan vùng để giải quyết những vấn đề trên.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2010, tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL đạt 12%, cao hơn mức bình quân cả nước (6,8%). Theo báo cáo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI), khu vực ĐBSCL có điểm số trung bình dẫn đầu trong 8 vùng kinh tế cả nước với 61,72 điểm. ĐBSCL đứng đầu trong 8 vùng kinh tế cả nước. Khu vực ĐBSCL có sự thay đổi đáng kể về tính năng động của lãnh đạo địa phương, năm 2006 điểm trung bình là 5,68 thì năm 2010 đạt 6,26 điểm. Cụ thể như: đối với tỉnh Đồng Tháp có 59,55%, TP Cần Thơ 46% doanh nghiệp (DN) đánh giá UBND tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNTN; trong khi Hà Nội là 31,11%, còn TP HCM 31,46%. Có đến 81,18% DN tỉnh Đồng Tháp và 76,42% DN ở TP Cần Thơ nhận định khi các quy định Trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh rất năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh, so với trung bình cả nước là 75,31%.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, phân tích: “Tính năng động là điểm mạnh của khu vực ĐBSCL trong hội nhập, nếu nhìn nhận PCI là động lực cải cách thì sẽ thay đổi được điểm yếu bên trong. Thời gian gần đây, các tỉnh trung tâm gần TP Cần Thơ như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng là nhờ động lực của thành phố trung tâm vùng là Cần Thơ với lợi thế về hạ tầng giao thông như: cảng, sân bay... tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển thương mại- dịch vụ...”. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, các tỉnh ven biển dựa vào khai thác thủy sản để phát triển, nếu không có động lực mới về dịch vụ tiêu thụ thì cũng khó tạo đột phá. Do vậy, cải thiện PCI là cải thiện niềm tin của DN, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, nhằm thu hút đầu tư và tăng số lượng DN.

Tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 3 cả nước trên bảng xếp hạng, tăng 1 bậc so với năm 2009. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh đã xác định DN là đối tác, người đồng hành trong phát triển kinh tế- xã hội trên tinh thần chia sẻ và cầu thị. Những năm qua, tỉnh chủ trương không xé rào mời gọi đầu tư mà chú trọng chất lượng mời gọi, tăng cường quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư”. Công tác cải cách thủ tục hành chính được tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh, đổi mới cổng thông tin liên tục, thể hiện sự năng động của chính quyền địa phương trong điều hành, đồng hành cùng DN và ứng xử chuyên nghiệp, gây ấn tượng tốt cho nhà đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích chỉ số PCI, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực rất nghiêm túc trong việc cải thiện thứ hạng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đề cao tính liên kết vùng. Chẳng hạn tỉnh Bạc Liêu, xếp hạng PCI 2008 tỉnh xếp thứ 62/63 tỉnh, thành còn năm 2010, cải thiện 29 bậc lên hạng 30. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Thanh Bế cho rằng, tỉnh đã nhìn nhận nghiêm túc và đề ra những giải pháp khắc phục. Xem DN là lực lượng tiên phong trong hoạt động kinh tế, để có ứng xử tốt hơn với DN và được cộng đồng DN đồng tình về cải cách của tỉnh. Theo ông Nguyễn Thanh Bế, sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của từng địa phương vẫn chưa đủ sức hỗ trợ DN vươn ra biển lớn, nên rất cần các tỉnh trong vùng hợp tác thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng.

Liên kết vùng

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “PCI 2010 TP Cần Thơ tăng 8 bậc so với năm 2009 và đạt hạng 13 cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế. Năm 2009, thành phố đã ban hành Chỉ thị 10 đề ra các công việc cụ thể cho các sở, ngành và quận, huyện trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư hiệu quả. Thành phố nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn của DN trên địa bàn”. Với vai trò trung tâm vùng trong phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ, đào tạo, tài chính... các cấp lãnh đạo và sở, ngành thành phố đã đề ra nhiều định hướng phát triển cụ thể. Đồng thời, công khai các quy hoạch, tạo điều kiện để DN tiếp cận đất đai nhanh, hỗ trợ DN giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động... Thành phố Cần Thơ hiện có trên 10.000 DN các loại hình, vốn đăng ký hơn 23.000 tỉ đồng. Nguồn nhân lực là chìa khóa cho sự phát triển. Theo ông Đào Anh Dũng, thành phố đang tập trung đào tạo nhân lực, nâng cấp các trường dạy nghề để đào tạo lao động cho DN, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố (42%) chỉ đáp ứng 60-70% nhu cầu của DN. Đồng thời, hướng đến đào tạo đội ngũ CEO chuyên nghiệp cung ứng cho các DN thành phố.

Để phát triển và thu hút DN đầu tư, ĐBSCL còn nhiều vấn đề phải giải quyết như: cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, hỗ trợ DN... Trong PCI 2010, chỉ số thành phần về hỗ trợ DN, vùng ĐBSCL chỉ đạt 4,72 điểm, thấp nhất trong 8 vùng kinh tế; chỉ số về đào tạo lao động xếp thứ 6/8 với 5,16 điểm. Do vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần song hành với liên kết vùng để tạo ra sức mạnh tổng thể giải quyết các vướng mắc trên. Hiện nay, ĐBSCL được Chính phủ cho phép tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL hằng năm với sự tham gia hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương. Qua mỗi diễn đàn, vùng ĐBSCL sẽ tìm được tiếng nói chung và kiến nghị Chính phủ giải quyết những khó khăn. Đây cũng là “kênh” tiếp thị hình ảnh cho vùng với nhà đầu tư trong và ngoài nước, nếu được khai thác tốt.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng tăng trưởng của ĐBSCL cao hơn tăng trưởng bình quân của cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng của DN ở ĐBSCL thấp hơn cả nước, do không có nhiều động lực để phát triển. Hiện nay, thu hút đầu tư chủ yếu là dự án quy mô nhỏ và vừa, công nghệ thấp, thâm dụng lao động. Còn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng hạn chế. Hiện tại, FDI chưa phải là động lực để phát triển vùng vì chỉ chiếm 5% tổng vốn cả nước, nhưng thời gian tới nếu chọn lọc dự án, quốc gia mời gọi đầu tư, thì FDI có thể thúc đẩy kinh tế vùng phát triển. Với lợi thế vị trí trung tâm, TP Cần Thơ sẽ đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển vùng.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết