06/07/2018 - 21:19

Liên kết, tái cơ cấu sản xuất để nông sản Việt hội nhập

Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản nước ta đạt được những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, hành trình xuất ngoại của nông sản Việt đã và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu… Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu lại sản xuất, cùng liên kết lại để tạo ra được sản phẩm đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu từ thị trường.

Bước chuyển mình

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp nước ta đạt 2,94%, vượt 2,84% so với kế hoạch đề ra; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỉ USD, vượt hơn 4 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Điều này khẳng định tính đúng đắn bước đầu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, vấn đề sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù là thành phố trực thuộc trung ương nhưng nông nghiệp vẫn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của TP Cần Thơ. Diện tích đất nông nghiệp của thành phố chiếm hơn 80% diện tích đất tự nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt gần 1 tỉ USD. Để nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, Cần Thơ đã và đang triển khai vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng an toàn; sản xuất theo quy trình GAP; xây dựng Cánh đồng lúa sạch 30.000ha đến năm 2020…”.

Thay vì chỉ sản xuất và xuất khẩu lúa gạo thì nay nông dân chuyển sang phát triển những ngành hàng có giá trị cao như trái cây, rau củ... Trong ảnh: Vườn bưởi tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH
Thay vì chỉ sản xuất và xuất khẩu lúa gạo thì nay nông dân chuyển sang phát triển những ngành hàng có giá trị cao như trái cây, rau củ... Trong ảnh: Vườn bưởi tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH

Theo đánh giá từ ngành nông nghiệp, tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng nghĩa với việc chấp nhận cạnh tranh, phải chịu nhiều rủi ro và các yếu tố bất định của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, người nông dân đã từng bước làm quen, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt, không ỷ lại vào trợ cấp và hàng rào thương mại của Nhà nước. Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (Vacvina), nhận định: “Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm Chuỗi cung ứng nông lâm và thủy sản an toàn. Song song đó, vấn đề an toàn thực phẩm đang được kiểm soát khá chặt chẽ. Qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm xuống chỉ còn 0,6% thay vì 2,05% (năm 2016). Kết quả phân tích 9.142 mẫu nước tiểu và mẫu thịt trên cả nước không phát hiện chất cấm salbutamol”.

Trước đây, nếu chúng ta chỉ coi trọng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo thì nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như trái cây, rau củ...  Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Chúng ta đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có khả năng cung ứng với sản lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở ĐBSCL, Đông Nam bộ được cấp mã code xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand...). Đơn cử như thanh long (Bình Thuận, Tiền Giang), nhãn (Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang), chôm chôm (Bến Tre), xoài (Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang,..). Nhiều nhà vườn chủ động thay đổi tập quán canh tác truyền thống, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP/VietGAP và được chứng nhận”.

Thích ứng với hội nhập

Tại Hội thảo khoa học chủ đề “Sản xuất sản phẩm trồng trọt an toàn, bền vững - cơ hội và thách thức” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, nền nông nghiệp nước ta trước đến nay chủ yếu dựa vào phương thức sản xuất nông hộ và đã tạo ra sự tăng trưởng lớn về sản lượng. Tuy nhiên, phương thức này trở nên lỗi thời trong thời kỳ hội nhập, dẫn đến giá trị gia tăng thấp dần, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. “Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập thế giới thì năng lực cạnh tranh của sản phẩm là một trong những yếu tố để tồn tại và mở rộng thị trường. Các nước có thể sử dụng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn sản phẩm từ các quốc gia khác xâm nhập vào thị trường của họ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Chính vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất từ nông hộ nhỏ lẻ, cá thể sang phương thức liên kết, cải thiện và quản lý chất lượng sản phẩm gắn với phát triển thị trường theo chuỗi giá trị là cần thiết trong tình hình hiện nay”- Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam đề xuất tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung và có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp tạo thành các chuỗi ngành hàng. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng có chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường. Các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch (tưới, bón phân tự động, nhà kính, nhà lưới...); áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và sản xuất bền vững như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Sản phẩm trồng trọt của nước ta phong phú nhưng khả năng cạnh tranh kém trong nội địa và cả xuất khẩu; giá thành sản xuất còn cao, các sản phẩm chuyên sâu chưa được đầu tư, chú trọng. Do đó, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Vacvina cho rằng, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại của nông dân phải được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa… Đây chính là các yếu tố để nông dân xây dựng hành động tập thể và liên kết lại thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. “Sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”, trong tổ hợp tác, hợp tác xã nông dân giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất do tất cả đều được cơ giới hóa. Không chỉ vậy, nông dân cũng được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hạn chế rủi ro… Các doanh nghiệp Việt Nam cần có hiểu biết về các quy định chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học để có chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới. ”- Tiến sĩ Võ Mai bày tỏ.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nông sản Việt