11/07/2016 - 21:54

Liên kết phát triển du lịch ĐBSCL

Trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC – Hậu Giang 2016, sáng 11-7, tại tỉnh Hậu Giang, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo "Phát triển du lịch ĐBSCL". Các nhà quản lý, nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch ĐBSCL phát triển; nhất là đẩy mạnh liên kết, quan tâm công tác xúc tiến quảng bá du lịch cho toàn vùng.

Phát triển nhưng chưa tương xứng tiềm năng...

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, thời gian qua, du lịch ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam và sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng. Giai đoạn 2006-2015, khách du lịch đến ĐBSCL tăng trung bình 11%/năm; trong đó khách quốc tế tăng 8,45%/năm, khách nội địa tăng 11,98%/năm. Tổng doanh thu từ khách du lịch trong giai đoạn này tăng trung bình 23,6%/năm. Các tỉnh, thành trong vùng đã chú trọng đầu tư nâng cấp, trùng tu các khu di tích, danh lam thắng cảnh nhằm thu hút khách du lịch với mức độ xã hội hóa hoạt động du lịch cao. Vùng ĐBSCL có hệ thống chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch tương đối đồng bộ. Đó là: Đề án phát triển du lịch vùng, Đề án phát triển sản phẩm đặc thù, Đề án tổ chức điều phối phát triển du lịch vùng. Hiện nay cũng sắp hoàn thiện Quy hoạch phát triển du lịch vùng và quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương trong vùng. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của các địa phương trong vùng ĐBSCL có những chuyển biến tích cực. Thông qua các Chương trình hành động quốc gia về du lịch; Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, công tác nghiên cứu thị trường và các hoạt động xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành trong vùng bước đầu được triển khai...

TP Cần Thơ đã nỗ lực cải thiện dịch vụ du lịch để thu hút khách đến tham quan. Trong ảnh: Cầu đi bộ Ninh Kiều được đưa vào sử dụng gần đây, phục vụ
phát triển du lịch cho thành phố. 

TP Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, có lợi thế lớn để phát triển du lịch. Lượng khách đến Cần Thơ tăng trưởng bình quân 12%/năm, đến năm 2015 thành phố đón gần 1,7 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 1.747 tỉ đồng. TP Cần Thơ đã điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030 để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố và quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác liên kết với các trung tâm du lịch trong vùng và cả nước; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa của địa phương, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và đảm bảo tính chuyên nghiệp, nghiên cứu thị hiếu của từng đối tượng khách để có kế hoạch đầu tư và quảng bá hiệu quả... Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đánh giá: "Du lịch Cần Thơ đã đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế và hình ảnh của TP Cần Thơ lên một bước mới". Tuy nhiên, du lịch Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, dịch vụ du lịch chưa phong phú, môi trường du lịch còn nhiều bất cập, người dân làm du lịch mang tính tự phát, chưa bài bản nên chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu tính độc đáo, thu nhập từ du lịch còn thấp so với các vùng miền trong cả nước.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, nhìn một cách tổng thể, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của các địa phương trong vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế và còn yếu so với nhiều vùng khác trong cả nước. Du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, kế hoạch và chiến lược phát triển không thống nhất. Sản phẩm du lịch ĐBSCL trùng lặp nên dẫn đến cạnh tranh gay gắt, các địa phương chưa thật sự phát triển du lịch trên cơ sở thế mạnh riêng, đặc thù của địa phương nhằm tạo sự khác biệt và đa dạng cho sản phẩm du lịch của vùng. Liên kết khai thác, phát triển du lịch giữa các điểm đến, cơ sở dịch vụ, du lịch, giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng ĐBSCL với các vùng khác trong cả nước còn hạn chế, chưa hình thành được cơ chế hợp tác, liên kết phát triển du lịch cho cả vùng. Nhiều địa phương còn bị động, có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình về tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực dồi dào, lao động trẻ... chứ chưa quan tâm đến quy luật của thị trường và yếu tố cầu trong phát triển du lịch.

Liên kết cùng phát triển

Hội thảo "Phát triển du lịch ĐBSCL" lần này còn nằm trong hoạt động của Chương trình Năm Du lịch quốc gia năm 2016, với mục tiêu không ngừng liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: Là vùng có chiến lược du lịch đặc biệt của quốc gia, ĐBSCL có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng trình độ và mức độ khai thác còn hạn chế. Hướng tới, các cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Hà Nội) sẽ có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL. Quan tâm nhiều đến sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc thù vùng và gắn với thị trường; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp vùng, doanh nghiệp trong và ngoài vùng.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2015, toàn vùng ĐBSCL đã đón trên 25 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước (trong đó khách quốc tế trên 1,8 triệu lượt), tăng 19,4% so với năm 2014. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2015 đạt 8.635 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, rất cần có cơ chế, chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch ĐBSCL. Xúc tiến, quảng bá là hoạt động quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng ĐBSCL, đây cũng là giải pháp cần thiết trong phát triển thị trường. Ngoài ra, quan tâm phát triển nguồn nhân lực - yếu tố then chốt để phát triển du lịch vùng ĐBSCL; phát triển sản phẩm du lịch mới có sức sáng tạo, có tính liên kết phát huy được tính truyền thống và bắt kịp xu hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động cung ứng các dịch vụ du lịch; các vấn đề về quy trình quản lý dịch vụ, quản lý điểm đến và liên kết theo hướng chuyên nghiệp hóa; kiểm soát chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến và phát triển thương hiệu du lịch...

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, để phát triển mạnh mẽ du lịch ĐBSCL trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng: "Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng du lịch là một nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển du lịch ĐBSCL. Mặc dù gần đây Nhà nước đã tập trung đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia tại ĐBSCL như: cải tạo quốc lộ 1A, nâng cấp Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, sân bay Phú Quốc..., nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch ĐBSCL. Giai đoạn 2011-2015, nhà nước hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch vùng ĐBSCL còn thấp, chỉ hơn 461,6 tỉ đồng. Vùng ĐBSCL mặc dù có tiềm năng phát triển du lịch nhưng cho đến nay cũng mới chỉ có 4 địa phương (Cần Thơ, An Giang, Bến Tre và Kiên Giang) là thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực du lịch, với 5 dự án và vốn đầu tư đăng ký 21,88 triệu USD...". Theo ông Trần Hoàng, để khắc phục tồn tại, khó khăn về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ĐBSCL và đảm bảo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch cho vùng đến năm 2020, cần tập trung các giải pháp như: quan tâm công tác quy hoạch; trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030 thì các tỉnh, thành cần nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch của địa phương.

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cũng đề xuất: "TP Cần Thơ đề xuất Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm thành lập ban điều phối du lịch vùng ĐBSCL để góp phần xây dựng thương hiệu du lịch ĐBSCL; điều phối công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch của vùng. Ngoài ra, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành ĐBSCL trong quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước...". Nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng, các địa phương cần chủ động xây dựng quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đưa ra các dự án ưu tiên đầu tư cho từng năm của giai đoạn 2016-2020, để tạo nên khu du lịch nổi trội, có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Lập chương trình cụ thể về vận động vốn ODA và FDI đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cho vùng ĐBSCL. Xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, hình thức PPP, hình thức BOT trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch gắn với các cơ sở dịch vụ kinh doanh du lịch, điều tiết các khoản thu ngân sách của địa phương trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; cơ chế về sử dụng các ưu đãi đầu tư để phát triển các khu du lịch quốc gia và các dự án thuộc địa bàn khó khăn.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết