14/09/2014 - 15:40

Liên kết để phát huy tiềm năng du lịch

Là tỉnh có rừng, biển với hai hệ sinh thái mặn-ngọt đặc trưng, lại là nơi cuối cùng của Tổ quốc… nên Cà Mau có lợi thế lớn để phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch nơi đây chưa được đánh thức xứng tầm. Đó là đánh giá của du khách và nhiều đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khi nói về du lịch tỉnh Cà Mau.

Đến và đi: quá ngắn!

 Khách đến tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau.

Với 3 mặt giáp biển trải dài từ Đông sang Tây trên 250km, Cà Mau nằm ở cực Nam của đất nước, thiên nhiên hữu tình đủ sức cuốn hút du khách gần xa. Nơi đây còn có 3 cụm đảo là Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập lợ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Riêng Vườn Quốc gia mũi Cà Mau được Tổ chức Môi trường thế giới công nhận là khu Ramsar của thế giới, lưu giữ hệ động - thực vật đa dạng, phong phú cả về số lượng và chủng loài. Cà Mau có những dòng sông gắn liền với nhiều chiến công hiển hách của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ: sông Tam Giang, Cái Lớn, Cái Tàu, sông Ông Đốc, Đầm Dơi và đan xen dòng sông uốn lượn là những cánh rừng bạt ngàn. Cà Mau cũng nơi có đồng tôm ngút ngàn và điểm hội tụ nhiều loài thủy hải sản phong phú… Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh – Hoa – Khmer.

Lợi thế và tiềm năng này đã góp phần thu hút khách du lịch đến với Cà Mau ngày càng đông. Năm 2013, có trên 848.000 lượt khách du lịch đến Cà Mau (trong đó trên 18.100 khách quốc tế) với doanh thu khoảng 228 tỉ đồng. Gần đây, Khu du lịch Mũi Cà Mau còn phát triển thêm sản phẩm du lịch cộng đồng (thí điểm ở 5 hộ dân tại xã Đất Mũi) nên lượng khách đến Đất Mũi nói riêng và Cà Mau tăng hơn so với trước. Số liệu từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2014 có gần 544.000 lượt khách nội địa và quốc tế đến tham quan các điểm du lịch trong tỉnh, đạt gần 60% kế hoạch năm 2014, với doanh thu khoảng 111 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khách quan, doanh thu du lịch ấy vẫn còn khá thấp so với một số tỉnh, thành ĐBSCL.

Anh Trương Công Hùng, du khách tham quan Mũi Cà Mau đến từ Hà Nội, cho biết: “Từ huyện Năm Căn ngồi ca- nô gần 1 tiếng rưỡi mới đến được Đất Mũi- nơi cuối cùng của Tổ quốc, nhưng chúng tôi tham quan chưa lâu thì đã hết một ngày, muốn ở lại qua đêm để hôm sau tiếp tục khám phá vùng đất này thì nơi nghỉ rất hiếm hoi, nên đành mua quà lưu niệm rồi về TP Cà Mau nghỉ đêm”. Cùng tâm trạng ấy, anh Châu Huỳnh Giang Tô, khách tham quan khu du lịch Hòn Đá Bạc đến từ TP HCM cũng than vãn, trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, anh cùng gia đình đi tham quan nhưng mất gần cả ngày ngồi xe. “Chừng ấy thời gian cộng với đường xa và sông nước thì chỉ đủ để đi Đất Mũi. Còn không thì đi Đá Bạc ghé Vườn quốc gia U Minh Hạ rồi về lại Sài Gòn. Thời gian đi- về quá ngắn, nên chúng tôi chưa thể tìm hiểu hết những điểm đến có nét riêng, độc đáo và bản sắc văn hóa nơi đó” – anh Tô chia sẻ.

Gắn kết nhiều điểm đến để hút du khách

Theo nhận định của nhiều đơn vị lữ hành, cách trở đường dài về sông sâu, nước xiết; hạ tầng du lịch còn hạn chế, đặc biệt về giao thông; sản phẩm du lịch còn đơn điệu… là những nguyên nhân khiến du khách đến Cà Mau chỉ lưu chân thời gian ngắn. Ngay cả những nơi có đầu tư bài bản như: Khu du lịch Khai Long (xã Đất Mũi), chỉ đưa vào khai thác liên tuyến với Khu du lịch Đất Mũi thời gian chưa lâu đã đóng cửa. Trao đổi với chúng tôi, chị Dư Trúc Loan, Phó phòng Nghiệp vụ du lịch thuộc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho rằng, Cà Mau có tiềm năng rất lớn về nhiều mặt để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhưng bước đầu chỉ mới dừng ở mức sơ khai, hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư, nhiều điểm du lịch vẫn chưa có đường ôtô, cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư chưa thông thoáng nên một số doanh nghiệp chưa mặn mà. Chị Loan ví dụ, du lịch sinh thái phát triển mạnh ở Mũi Cà Mau và U Minh Hạ, đặc biệt là khu sinh thái Sông Trẹm. Tuy nhiên, nơi đây chỉ khai thác được những tháng mùa mưa, còn cao điểm mùa khô sẽ hạn chế thậm chí không đón khách vì mục đích giữ rừng không bị cháy.

Lẽ đó, để du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng phát triển mạnh, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Cà Mau, nhiều ý kiến cho rằng, cần liên kết nhiều điểm đến để du khách được tham quan nhiều nơi cùng tuyến, đỡ tốn thời gian. Như tuyến du lịch sinh thái Sông Trẹm kết hợp đưa khách tham quan những làng nghề đan đát truyền thống, ghé vườn dâu Cái Tàu, thực tế cảnh sản xuất và lấy mật ong của cư dân rừng tràm. Còn tuyến Đá Bạc, hành trình sẽ dừng chân Vườn quốc gia U Minh Hạ trước rồi thăm làng nghề khô bổi của hộ dân sau đó tham quan Hòn Đá Bạc. Trên đường về liên kết chở khách tham quan làng nghề ép chuối khô, ghé khu du lịch sinh thái Quốc tế trên quốc lộ 1A. Còn tuyến Mũi Cà Mau kết hợp ghé lâm ngư trường 184, xuống Mũi Cà Mau rồi qua khu du lịch Khai Long. “Tuyến này, khách có thể dừng chân qua đêm vì du lịch cộng đồng đang manh nha và phát triển mạnh trong tương lai. Khách có thể cùng tham gia hoạt động sản xuất, bắt tôm bắt cá… cùng hộ dân và ăn, nghỉ qua đêm tại đó với giá cực rẻ. Tới đây, các hộ dân sẽ liên kết thành một doanh nghiệp lớn, có con dấu và hóa đơn tài chính đàng hoàng, các công ty lữ hành không phải ngại vì chuyện hóa đơn nữa” – chị Dư Trúc Loan cho biết.

Cùng với việc liên kết tuyến nội vùng và liên kết với các tỉnh thành trong khu vực tạo nhiều điểm đến cho du khách trên cùng hành trình (một điểm đến bốn địa phương cộng), ngành chức năng Cà Mau đang thực hiện phương án xã hội hóa trong đầu tư và phát triển du lịch. Cụ thể, đến năm 2020, tỉnh này huy động khoảng 500 tỉ đồng để phát triển du lịch (400 tỉ đồng từ chủ trương xã hội hóa). Lĩnh vực kêu gọi đầu tư đa dạng nhưng ưu tiên hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường giao thông về các khu du lịch trọng điểm, kế đó là nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí.... “Trọng điểm du lịch của Cà Mau là Đất Mũi, Khai Long, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, vườn quốc gia, các cửa biển, sân chim, các khu di tích văn hóa, lịch sử. Ngoài kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch, chúng tôi sẽ quan tâm đào tạo khoảng 500 cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch (lộ trình đến 2020) để có đủ nguồn nhân lực nghiệp dư phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch tình hình mới” – ông Hồ Ngọc Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau khẳng định.

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết