18/09/2014 - 20:23

Liên kết để cùng phát triển

Xác định việc mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế (HTQT) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học, thời gian qua, lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) chủ trương đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động HTQT; nhất là liên kết với các đơn vị đối tác để cùng phát triển.

Hiệu quả từ HTQT

Với bề dày 48 năm phát triển, Trường ĐHCT không chỉ được biết đến là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL mà còn được biết đến là đơn vị có thế mạnh về HTQT. Ai đã một lần đặt chân đến Trường ĐHCT đều sẽ ấn tượng trước những công trình quy mô như: Trung tâm học liệu, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Khoa Công nghệ… do các tổ chức quốc tế (Úc, Hà Lan) tài trợ. Những công trình này không chỉ “khoác áo” đẹp cho trường mà còn thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam (Trường ĐHCT) với các tổ chức quốc tế.

Theo PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của bộ, ngành Trung ương và địa phương thì HTQT có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH nói chung, Trường ĐHCT nói riêng. Vì thế, thời gian qua, lãnh đạo Trường ĐHCT đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động HTQT của trường, như: ký kết thỏa ước hợp tác với các đơn vị; tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế; thực hiện các dự án HTQT;… Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, trường có 177 dự án HTQT đã và đang thực hiện. Năm học 2013-2014, trường triển khai tiếp tục các dự án hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, như: Dự án CLUES (Úc), VLIR (Bỉ), CSIRO (Úc), iAQUA (Đan Mạch), SEAT (Vương Quốc Anh), JIRCAS - Giai đoạn 2 (Nhật Bản), Công ty Sumitomo, Yanmar...

Theo PGS.TS Lê Việt Dũng, phòng HTQT vừa tiến hành xét chọn 3 dự án HTQT tiêu biểu có hoạt động NCKH nổi trội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương 5 năm qua (giai đoạn 2010-2014) để đề xuất khen thưởng cấp trường, gồm các dự án: “Đào tạo và nghiên cứu về sinh lý động vật Thủy sản ở ĐBSCL” của khoa Thủy sản do ĐH Aarhus (Đan Mạch) tài trợ; “Canh tác lúa ít phát thải ở Việt Nam (VLCRP) của Viện Phát triển ĐBSCL hợp tác với Quỹ Bảo vệ môi trường Mỹ (EDF) và Ngân hàng Thế giới (WB); “Liên kết giữa ĐHCT và ĐH Aarhus về Khoa học Môi trường (dự án CAULES)” của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên hợp tác với ĐH Aarhus. Các dự án này đều có tổng kinh phí thực hiện lớn, đã kết thúc và đem lại những đóng góp to lớn về hoạt động NCKH, ứng dụng thực tiễn cao, đào tạo cán bộ, sinh viên… góp phần nâng cấp thiết bị nghiên cứu, giảng dạy cho đơn vị. Như Dự án “Đào tạo và nghiên cứu về sinh lý động vật Thủy sản ở ĐBSCL”, thông qua hoạt động nghiên cứu kết hợp đào tạo để tìm ra các kiến thức sinh lý học cơ bản và sinh lý học ứng dụng của các loài cá bản địa và một số loài thực vật nhằm ứng dụng trong phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững ở ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu cơ bản của dự án được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân…

“Cầu nối” hữu hiệu

Lãnh đạo Trường ĐHCT tiếp thân mật ông Geert Vernick (thứ 4, từ trái, hàng đầu), Phó Thống đốc tỉnh Đông Flanders cùng đoàn
Vương quốc Bỉ.
 

 Sinh viên truy cập Internet tại Trung tâm Pháp ngữ hỗ trợ công nghệ giáo dục - Trường ĐHCT, do AUF hỗ trợ, với kinh phí khoảng 500 triệu đồng.

Thông qua mối quan hệ HTQT, nhiều thầy cô được đào tạo nước ngoài về Trường ĐHCT công tác đã mang lại “luồng gió mới” trong hoạt động đào tạo, NCKH. Đơn cử như trường hợp của thạc sĩ Đoàn Thị Trúc Linh, Trưởng Bộ môn Quản lý Công nghiệp, khoa Công nghệ. Tốt nghiệp ĐH năm 2006, cô Trúc Linh làm việc tại Trường ĐHCT. Năm 2010, cô Linh học cao học tại Đài Loan. Khi trở về trường công tác, tháng 7-2012, thông qua chương trình HTQT, thạc sĩ Đoàn Thị Trúc Linh được tạo điều kiện tham gia khóa tập huấn trong chương trình liên kết đào tạo kỹ thuật cao (HEEAP- The Higher Engineering Education Alliance Program) do Intel tài trợ. Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa Chính phủ, các trường ĐH, Cao đẳng và các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật và tăng cường lực lượng lao động có kỹ thuật cao tại Việt Nam. Trường ĐHCT vinh dự là 1 trong 6 trường ĐH trong cả nước là thành viên và đối tác của chương trình. Cô Linh cho biết, khoa Công nghệ có 17 giảng viên tham gia khóa tập huấn 6 tuần tại Trường ĐH Arizona State University - Mỹ. Khóa học cung cấp cho các giảng viên về thiết kế chương trình đào tạo, xây dựng phòng thí nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy… Qua khóa học, cô Linh và các đồng nghiệp tích lũy nhiều kiến thức bổ ích, ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy; nhất là kỹ năng truyền đạt cho sinh viên các kiến thức cần thiết về kỹ thuật chuyên ngành, trình độ tiếng Anh và kỹ năng “mềm” để có thể làm việc tốt trong lĩnh vực sản xuất kỹ thuật cao. Cô Trúc Linh bộc bạch: “Hiện nay, nhóm đề xuất dự án thiết kế lại một số môn học trong khoa theo phương pháp giảng dạy tích cực nhằm giúp sinh viên phát huy tốt kỹ năng “mềm”; áp dụng mô hình sinh viên năm cuối làm trợ giảng UTA, giúp thầy cô trong quản lý lớp học, hướng dẫn sinh viên khác làm việc nhóm… Qua đó, lớp học có sinh khí mới, giúp sinh viên học tập tốt hơn”.

Theo Tiến sĩ Trương Chí Thành, Phó khoa Công nghệ, thông qua HTQT, đơn vị được hỗ trợ nhiều trong hoạt động NCKH, đào tạo. Cán bộ, giảng viên được học hỏi chương trình, phương pháp giảng dạy mới. Hoạt động NCKH và chuyển giao khoa học công nghệ ở khoa cũng khởi sắc hơn. Ông Thành nói: “Những thầy, cô học tập từ các nước bạn (thầy Thành học tại Bỉ, thầy Ngôn học tại Đức, cô Linh học tại Đài Loan…) sẽ là “cầu nối” để tiếp tục thắt chặt mối quan hệ khắng khít giữa đơn vị mình và các đơn vị đối tác. Cũng từ các “cầu nối” này, thời gian qua, đơn vị đã tranh thủ sự hỗ trợ trang thiết bị thực hành, thực tập từ đối tác, như các loại máy nông nghiệp, trị giá hơn 2 tỉ đồng do Công ty Yanmar tài trợ; gói thiết bị tự động hóa (bộ điều khiển logic, bộ điều khiển công nghiệp SIMATIC S7-1200…), trị giá 550 triệu đồng do Công ty TNHH Siemens Việt Nam hỗ trợ…”. Hướng dẫn chúng tôi đến Phòng Thí nghiệm máy nông nghiệp tại khoa, Tiến sĩ Thành giới thiệu: “Đây là máy gặt đập liên hợp, máy kéo 4 bánh, máy cấy 4 bánh… khá hiện đại, đều được tài trợ từ Công ty Yanmar, đơn vị có quan hệ, liên kết hoạt động với khoa. Các thiết bị này tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, sinh viên trong công tác dạy, học và thực hiện đề tài NCKH, luận án cao học, nghiên cứu sinh. Ngoài ra, cán bộ khoa còn trực tiếp mang máy móc đến các địa phương trình diễn hoạt động, giúp nông dân tăng năng suất, thu nhập, cải thiện sản xuất”.

Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong chuyến thăm, làm việc với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHCT vào tháng 8-2014 vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Gia Túc đánh giá vị thế và uy tín của Trường ĐHCT đang ngày càng được nâng cao, không chỉ trong nước mà còn vươn lên tầm quốc tế. Có được kết quả này, theo ông nhận xét, ngoài nỗ lực của trường, quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, thì HTQT là yếu tố quan trọng. Điều này được minh chứng trong suốt chặng đường gần 50 năm phát triển của trường, qua những con số “biết nói”: Trường cung cấp hơn 100.000 cán bộ, kỹ sư cho toàn vùng ĐBSCL; với TP Cần Thơ (chỉ tính riêng Đề án Cần Thơ 150), Trường và UBND TP Cần Thơ đưa 121 ứng viên đi đào tạo ở nước ngoài (5 tiến sĩ, 116 thạc sĩ); trong đó, có 111 ứng viên về nước và 10 ứng viên đang học ở nước ngoài. Trong các dịp tiếp đoàn khách quốc tế đến làm việc tại TP Cần Thơ, bên cạnh đại diện các sở, ngành thành phố, luôn hiện diện cán bộ Trường ĐHCT. Chính vì thế, bên cạnh việc cam kết sẽ sẵn sàng hỗ trợ lãnh đạo trường giải quyết khó khăn để trường hoạt động ngày càng hiệu quả, ông cũng đề nghị nhà trường mở rộng và tăng cường các hoạt động HTQT để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và chuyển giao phục vụ phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Theo lãnh đạo Trường ĐHCT, kế thừa những thành quả trong quá phát triển của Trường, sự quan tâm đầu tư của bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và TP Cần Thơ, hoạt động HTQT tại ĐHCT hiện nay vẫn đang trên đà phát triển bền vững. Đây là điều kiện thuận lợi và cũng là trách nhiệm khá lớn của trường đối với xã hội. PGS.TS Lê Việt Dũng chia sẻ: Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo trường vào tháng 3-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Giám hiệu Trường ĐHCT xác định và quán triệt rõ nhiệm vụ chính trị đối với vùng; tập trung đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, có trách nhiệm với nghề… Phấn đấu xây dựng trường ĐH xuất sắc, trọng điểm của ĐBSCL, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, Trường hoàn thành và trình các cơ quan thẩm quyền Đề án “Nâng cấp Trường ĐHCT thành trường đại học xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” từ nguồn vốn ODA (Nhật); đồng thời tập trung toàn lực để đạt mục tiêu: Năm 2020, ĐHCT trở thành trường ĐH xuất sắc như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết