10/10/2018 - 09:44

Liên kết bốn nhà 

Hội Nông dân (HND) huyện Phong Điền luôn xác định việc liên kết bốn nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nhu cầu tất yếu để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững và tiến tới sản xuất hàng hóa sạch quy mô lớn, hiện đại. Từ đó, vận động, tập hợp nông dân liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nhằm giúp phát triển sản xuất có đầu ra ổn định, nông dân có thu nhập cao.

Cán bộ Hội Nông dân xã Giai Xuân tham quan vườn chanh của ông Tiềm (bìa trái).

Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long được thành lập, gồm 36 thành viên tham gia sản xuất với diện tích trên 27ha. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX, cho biết: "Từ khi HTX thành lập đến nay, xã viên được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận. Nhờ đó, nông sản làm ra đều bán được giá cao hơn so với những nhà vườn bên ngoài HTX". Hiện nay, nhiều vườn vú sữa của các thành viên trong HTX cho trái xum xuê.

Ông Lê Văn Thanh, thành viên HTX cho biết: "Tôi có 16 công vườn, trong đó có 6 công vú sữa trên 15 năm tuổi và 10 công đang trồng sầu riêng. Năm 2017, 6 công vú sữa thu hoạch được trên 6 tấn trái, được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ 22.000-60.000 đồng/kg. Trừ chi phí, tôi còn lời trên 150 triệu đồng". Theo ông Thanh, có được những thành quả trên là nhờ ông chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, biết ứng dụng khoa học vào sản xuất. 15 năm trước, ông Thanh mua giống vú sữa lò rèn về trồng. Sau 3 năm chăm sóc, vú sữa phát triển xanh tốt. Khi cây vú sữa được 4 năm tuổi thì cho trái ổn định.

Ông Trần Văn Chiến chia sẻ: "Từ khi thành lập HTX, các xã viên được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình bón phân, phun thuốc và thời gian cách ly để vú sữa đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, HTX đã ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, nông dân trồng vú sữa không sợ bị ép giá, sản xuất luôn có lời".

Trong tháng 4- 2018, Tổ hợp tác (THT) chanh không hạt ấp Thới An A và Bình Xuân được thành lập, có 17 thành viên tham gia với diện tích trên 10ha. Theo ông Nguyễn Ngọc Tiềm, Tổ trưởng THT, chanh không hạt là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế lại cao. Từ đầu năm đến nay, ông đã thu hoạch hơn 5 tấn trái, được doanh nghiệp bao tiêu với giá 25.000 đồng/kg. Ông Tiềm cho biết: "Tùy vào thời điểm, chanh không hạt có giá từ 6.000 đến 40.000 đồng/kg. Giống chanh này ra hoa nhiều và liên tục, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao nên cho thu hoạch quanh năm. Cứ 20 ngày là thu hoạch 1 lần". Để xử lý cho trái nghịch vụ bán được giá cao, ông Tiềm tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Tiềm thường xử lý cho chanh ra hoa vào tháng 9 âm lịch để đến tháng 2, tháng 3 là có chanh thu hoạch.

Ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch HND huyện Phong Điền, cho biết: "Trong nền kinh tế thị trường, việc liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. HND huyện quan tâm, tạo điều kiện cho nông dân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời, hướng dẫn, vận động tham gia sản xuất theo hình thức hợp tác. Đến nay, huyện đã thành lập được 1 THT chanh không hạt ấp Thới An A và ấp Bình Xuân (xã Giai Xuân), 1 HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long) hoạt động theo hình thức liên kết 4 nhà. Để thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, HND huyện tiếp tục vận động các hội viên liên kết sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái; đồng thời, phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; vận động các công ty, doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm cho nông dân".

Bài, ảnh: K.V

Chia sẻ bài viết