14/08/2018 - 10:04

Liên kết du lịch cụm phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long 

Cụm du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ được đánh giá là khu vực có tiềm năng liên kết phát triển mạnh mẽ về du lịch.

Tuy nhiên, cụm vẫn chưa khai thác hết tiềm năng liên kết vùng, vì vậy cần có giải pháp mang tính tổng thể từ quy hoạch đến xây dựng các sản phẩm du lịch trong cụm.

Hiệu quả liên kết chưa cao

Hoạt động du lịch của cụm thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến các địa phương thuộc cụm khoảng 17,8 triệu lượt người, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 76,4% trong tổng lượt khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, khách quốc tế khoảng 677 ngàn lượt người (tăng 33,4%), chiếm 42,8% trong tổng số khách quốc tế đến Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Doanh thu từ du lịch đạt gần 10.400 tỷ đồng (tăng 33,4%), chiếm 76,1% tổng doanh thu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong cụm có 2 địa phương được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia là Núi Sam - An Giang và Đất Mũi - Cà Mau.

Các tour du lịch đường sông tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ thu hút đông du khách. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Trưởng Cụm du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long Trần Hiếu Hùng khẳng định, việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc cụm hiệu quả chưa cao, chưa có sự đồng nhất trong việc tham gia đầy đủ những sự kiện chung mang tầm quốc gia, quốc tế (VITM Hà Nội, ITE Thành phố Hồ Chí Minh…). Ngoài ra, việc xây dựng sản phẩm du lịch “Một điểm đến bốn địa phương +” chưa đạt hiệu quả.

Hiện nay, các địa phương trong cụm vẫn loay hoay với việc định hình sản phẩm du lịch đặc thù. Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do một số địa phương còn khai thác tài nguyên có sẵn hoặc sao chép, chậm đổi mới về sản phẩm du lịch. Vì vậy, tính chất độc đáo, giá trị nguyên bản và ý tưởng của sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, liên kết chắp vá, trùng lặp, chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” và “rập khuôn” cũng như sự tương đồng về đặc thù sinh thái, cảnh quan thiên nhiên đã dẫn đến du lịch của cụm liên kết chưa phát triển mạnh so với các vùng khác trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Phạm Thế Triều cho rằng, đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch vẫn là điểm yếu của cụm. Nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu về tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp và chất lượng phục vụ.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đang phát triển nhanh ở nhiều địa phương, nhưng quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, vận hành thiếu chuyên nghiệp, do vậy chưa hình thành được nhiều hệ thống các khu du lịch quốc gia với thương hiệu nổi bật…

Định vị chiến lược phát triển điểm đến

Liên kết du lịch một cách bài bản sẽ đem đến trải nghiệm đa dạng, làm phong phú hơn hành trình của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Về mặt vĩ mô, giải pháp này còn hỗ trợ việc khai thác tối đa nguồn lực du lịch của mỗi địa phương, tạo điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh, qua đó thúc đẩy giá trị gia tăng cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

Nhìn tổng thể, việc liên kết dựa trên các tuyến du lịch quốc gia, quốc tế, nội vùng và liên vùng theo đường bộ, đường thủy, đường không gồm: Tuyến liên vùng gắn với thành phố Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan – Campuchia – Rạch Giá, Kiên Giang – Cà Mau theo đường R10) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang); tuyến đường biển qua các cảng biển (Cần Thơ, Phú Quốc); tuyến đường hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Chi nhánh Bạc Liêu Du Tố Tuấn, khi liên kết phát triển du lịch, các địa phương cần nghiên cứu về phân khúc thị trường dành riêng cho khách du lịch trong nước, quốc tế, nhất là nhu cầu về du lịch của từng nhóm tuổi và mức thu nhập, xác định lại thị trường khách du lịch, sản phẩm du lịch. Sản phẩm đối với khách du lịch quốc tế gồm các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tham quan trải nghiệm làng nghề, đời sống của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước gắn với lễ hội văn hóa của cư dân địa phương. Du lịch tâm linh chủ yếu dành cho du khách trong nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong cho rằng, từng địa phương cần xác định thế mạnh du lịch “đinh” của mình để hình thành chuỗi liên kết. Đây chính là khâu đột phá nhằm hạn chế sự trùng lặp, tăng tính hấp dẫn của tuyến, tour du lịch cũng như tránh lãng phí khi đầu tư một cách đại trà, không có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần “chuyển hóa” từ hoạt động du lịch đơn thuần sang cấp độ khiến du khách nhớ và cảm nhận được những trải nghiệm, mỗi điểm đến cần tìm ra hoạt động nổi bật tác động đến cảm xúc, trí nhớ của du khách.

Theo Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, cụm du lịch phía Tây với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển, đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội.

Đối với khu du lịch, điểm du lịch trong cụm sẽ tập trung phát triển 3 khu du lịch quốc gia gồm: Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), núi Sam (An Giang) và 4 điểm du lịch quốc gia là Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang).

Cụ thể, một số sản phẩm du lịch “đinh” của từng địa phương được xác định tập trung khai thác như: Cà Mau (du lịch sinh thái rừng ngập mặn), An Giang (du lịch tâm linh, lịch sử), Sóc Trăng (du lịch văn hóa Khmer Nam bộ), Kiên Giang (du lịch biển, đảo), Cần Thơ (du lịch trải nghiệm các giá trị sông nước)… Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao là điểm mới của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Bạc Liêu là địa phương có thế mạnh về lĩnh vực này (nuôi tôm công nghệ cao, điện gió…) nên cần khai thác một cách hiệu quả.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, trong liên kết, mỗi tỉnh, thành phố cần “nhường nhịn” nhau để phát huy thế mạnh từng nơi. Ví dụ như “Đờn ca tài tử” là tài nguyên du lịch và phát triển rộng khắp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khi phát triển du lịch nên ưu tiên khai thác đờn ca tài tử ở Bạc Liêu, còn các tỉnh, thành phố khai thác tài nguyên đặc trưng nhất để đa dạng điểm đến trong vùng.

Ông Cao Tấn Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Fiditour Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, một sản phẩm du lịch cần được liên kết từ nhà hàng, lưu trú, điểm tham quan… để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Do đó, các địa phương cần triển khai thẩm định lại cơ sở phục vụ du lịch để cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện khi lên kế hoạch tổ chức tour, tuyến du lịch; xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch từ thuyết minh, lễ tân, nhà hàng, khách sạn, thậm chí là bảo vệ để tăng tính chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, khi liên kết du lịch cũng cần có người điều phối. Thành phố Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) phải là trung tâm du lịch, điều phối nhằm tạo động lực phát triển cho các tỉnh còn lại.

Các địa phương cần hạn chế tác động tiêu cực đối với tài nguyên môi trường, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến người dân và sự phát triển bền vững chung của cả vùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng chiến lược truyền thông, quảng bá điểm đến, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, xúc tiến về du lịch; tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư, nhất là hệ thống giao thông các tuyến đường, cảng, sân bay. Đặc biệt, các địa phương cần xác định mỗi người dân là “đại sứ” trong quảng bá, phát triển du lịch và được hưởng lợi nhiều nhất từ dịch vụ du lịch mang lại.

Theo Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết