27/02/2011 - 21:50

Libye về đâu nếu Gaddafi ra đi ?

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, tính đến hôm qua đã có khoảng 100.000 người ở Libye rời khỏi nước này. Phần lớn tháo chạy sang hai nước láng giềng Ai Cập và Tunisie. Ảnh: euronews

Trong bối cảnh chính phủ Libye đứng trước sức ép trong và ngoài nước ngày càng dâng cao, nhất là sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết trừng phạt Libye tối 26-2, giới quan sát cho rằng sự ra đi của Tổng thống Muammar Gaddafi chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu dự đoán này xảy ra, tương lai của quốc gia Bắc Phi với dân số 6,5 triệu người sẽ ra sao?

Không giống Ai Cập và Tunisie, hai nước láng giềng vừa xảy ra chính biến, chính phủ Libye hiện nay thiếu sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội. Trong 42 năm ông Gaddafi nắm quyền, quốc gia này gần như không có quốc hội, không có tổ chức công đoàn, không có các đảng chính trị, không có các tổ chức đoàn thể và cũng không có các tổ chức phi chính phủ hoạt động. Ngay từ đầu Đại tá Gaddafi đã xây dựng chế độ theo hướng bảo đảm không một thế lực nào trong nước có thể đe dọa quyền lực của ông. Nói cách khác, nếu thiếu vắng ông, sẽ không có một lực lượng nào ở Libye có thể đứng ra thành lập chính phủ mới. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng nếu nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ, Libye rất khó có khả năng giống như Ai Cập thời hậu Mubarak: quân đội tạm nắm quyền trong thời kỳ chuyển tiếp sang chế độ dân chủ, mà sẽ rơi vào khoảng trống quyền lực đầy bất ổn.

Kịch bản tồi tệ nhất và được cho có nhiều khả năng xảy ra, theo các chuyên gia chống khủng bố Mỹ, đó là mạng lưới khủng bố al-Qaeda hoặc các phong trào Hồi giáo cực đoan ở Libye sẽ nhảy vào lấp khoảng trống quyền lực mà ông Gaddafi để lại. Khi đó, Libye sẽ trở thành một Somalie hay Afghanistan thứ hai. Hai “ứng viên sáng giá” mà Washington điểm mặt là Tổ chức Chiến đấu Hồi giáo Libye và Phong trào al-Qaeda ở Islamic Maghreb (AQIM), chi nhánh của al-Qaeda ở Bắc Phi. Tuần qua, AQIM đã nhanh miệng lên tiếng ủng hộ làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Libye.

Frederic Wehrey, chuyên gia phân tích của RAND Corporation - viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ - vừa trở về từ Libye, cho rằng al-Qaeda đang tìm cách “đục nước béo cò” ở khu vực Tây Nam Libye gần biên giới với Algérie. Vùng đất rộng lớn này hiện đang trong tình trạng vô chính phủ. Trong khi đó, các chuyên gia chống khủng bố của Mỹ nhận định kỹ năng tổ chức và quản lý của al-Qaeda hơn hẳn lực lượng chống đối ở Libye hiện nay nên chân rết của mạng lưới này ở Bắc Phi có khả năng gặt hái thành công ở Libye. Không chỉ phương Tây mà từ lâu, Tổng thống Gaddafi đã xem al-Qaeda là hiểm họa. Nhà lãnh đạo này chính là người đầu tiên đề nghị Cảnh sát quốc tế (Interpol) phát lệnh truy nã trùm khủng bố Osama bin Laden.

Không kể yếu tố al-Qaeda, một số chuyên gia về châu Phi cho rằng bất kỳ tổ chức nào cũng có thể nắm quyền ở Libye thời hậu Gaddafi. “Phong trào chống đối hiện nay ở Libye qui tụ nhiều thành phần, từ thường dân, người theo đạo Hồi, cho đến những người theo chủ nghĩa dân tộc và thành phần ủng hộ chế độ quân chủ”, giáo sư Arshin Adid-Moghaddam, chuyên nghiên cứu về các vấn đề châu Phi của Đại học Luân Đôn, nhận định. Tuy nhiên, theo ông, sẽ không có phong trào nào có thể “độc diễn” trên vũ đài chính trị Libye. Thay vào đó, có khả năng cánh Hồi giáo sẽ bắt tay với những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Cũng có người nghĩ đến khả năng Libye sẽ trở thành quốc gia đầu tiên được thử nghiệm cái gọi là “trách nhiệm phải bảo vệ” - một lực lượng của Liên Hiệp Quốc sẽ được triển khai để bảo vệ tính mạng dân thường trong trường hợp bạo lực lan rộng. Với kịch bản này, điều kiện cần duy nhất là dân chúng Libye chấp thuận. Điều này được cho là có thể được bởi Liên Hiệp Quốc từng đứng ra bảo trợ sự ra đời của nước cộng hòa Libye sau khi Đại tá Gaddafi lật đổ chế độ quân chủ năm 1969.

Liệu Libye sẽ rơi vào vòng xoáy bất ổn như Somalie? Nhiều người cho rằng hiện nay yếu tố lớn nhất có khả năng bảo đảm thảm cảnh này không xảy ra chính là nguồn dầu mỏ dồi dào của Libye (với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi, trước khi xảy ra bất ổn, mỗi ngày Libye sản xuất 1,55 triệu thùng dầu - chiếm 3% sản lượng toàn cầu). Một khi việc khai thác được phục hồi hoàn toàn, “vàng đen” không những có thể mang lại sự đồng thuận xã hội trong thời kỳ quá độ đầy cam go mà còn bảo đảm các cường quốc phương Tây không thể đứng nhìn nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới bị chia năm xẻ bảy.

“Chúng tôi muốn một đất nước không có bóng dáng al-Qaeda cũng như lực lượng Hồi giáo cực đoan. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là giải phóng Libye khỏi chế độ này và cho phép người dân được bầu chọn chính phủ mà họ muốn”, ông Mustafa Mohammed Abud al-Jeleil, Bộ trưởng Tư pháp Libye, một trong những thành viên nội các đã từ chức để đứng về phía lực lượng biểu tình, tuyên bố trên kênh truyền hình Al Jazeera. Tuần qua, ông đã đứng ra tổ chức diễn đàn bàn về tương lai của Libye với sự tham gia của lãnh đạo các bộ lạc, các cựu tướng lĩnh quân đội và những người cam kết hợp tác mang lại dân chủ cho Libye sau khi ông Gaddafi ra đi.

VIỆT QUỐC
(Theo NY Times, Skynews, ABC, CNN)

957 lao động Việt Nam từ Libye đã về nước an toàn

Lao động Việt Nam từ Libye vui mừng khi về đến sân bay Nội Bài an toàn hôm 27- 2.
Ảnh: HỮU VIỆT (TTXVN)

Tính đến tối qua, đã có 957 lao động Việt Nam từ Libye về nước an toàn. Dự kiến hôm nay sẽ có thêm một chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) đưa 40 lao động Việt Nam về nước. Hầu hết số lao động từ Libye về nước hôm qua là của Công ty Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại Sona, Công ty cổ phần Nhân lực và thương mại Vinaconexmec và Công ty Hợp tác lao động xuất khẩu Letco cung ứng.

Theo ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), 7.400 lao động Việt Nam đã có kế hoạch di dời, trong đó có 3.400 người đã di dời ra khỏi Libye đến các nước lân cận để chuẩn bị về nước. Các bộ ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan đang tìm giải pháp để đưa hơn 3.000 lao động Việt Nam còn lại, chủ yếu đang ở Tripoli và bến cảng Benghazi, di chuyển ra khỏi Libye.

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, tính đến hôm qua đã có khoảng 100.000 người ở Libye rời khỏ

Chia sẻ bài viết