15/09/2017 - 09:23

LHQ: Khủng hoảng Rohingya đang tạo ra thảm họa nhân đạo 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 13-9 cho biết, người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp mọi sự trợ giúp có thể, đồng thời lên án các cuộc tấn công của lực lượng an ninh nhằm vào dân làng Rohingya là “không thể chấp nhận”.

“Tình hình nhân đạo thật là khủng khiếp. Hồi tuần trước chỉ có 125.000 người tị nạn Rohingya trốn sang Bangladesh. Con số này giờ đây đã tăng gấp 3, lên gần 380.000 người. Nhiều người đang trú ngụ trong các khu định cư tạm thời hoặc những cộng đồng địa phương, có gì giúp nấy. Nhưng rất nhiều phụ nữ và trẻ em đang bị đói” – ông Guterres cho biết.

Người tị nạn Rohingya đang trong tình trạng khốn đốn trốn sang Bangladesh. Ảnh: BBC

Tổng thư ký LHQ cũng lên án các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa), đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Myanmar đình chỉ ngay các hoạt động quân sự, chấm dứt bạo lực, tôn trọng luật lệ để những người tị nạn Rohingya có thể quay về nước. Theo ông, người Hồi giáo Rohingya phải được cấp quốc tịch hoặc ít nhất một tư cách pháp nhân cho phép họ có được cuộc sống bình thường, tự do đi lại, kiếm việc làm, tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế.

Hội đồng Bảo an LHQ cùng ngày cũng đã nhất trí ra một tuyên bố lên án các cuộc tấn công nói trên, bày tỏ “quan ngại trước các báo cáo về bạo lực quá mức trong suốt các hoạt động an ninh”. Cơ quan này kêu gọi triển khai ngay lập tức “các biện pháp nhằm chấm dứt bạo lực ở bang Rakhine, giảm bớt căng thẳng, tái lập trật tự và đảm bảo công tác bảo vệ thường dân”. Ngoài ra, tuyên bố đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ về Myanmar trong vòng 9 năm qua cũng kêu gọi giải quyết vấn đề tị nạn đang diễn ra. Được biết, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã hủy chuyến công cán đến New York (Mỹ) để dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào tuần tới. Bà Suu Kyi hiện đối mặt với sự chỉ trích của những người từng ủng hộ bà vì đã không cố gắng ngăn chặn bạo lực ở bang Rakhine. Một trong những thông tin gây sốc là nhiều người tị nạn Rohingya cho biết họ không liên hệ được với bất kỳ tổ chức cứu trợ hay cơ quan viện trợ quốc tế nào.

Theo BBC, làn sóng người Hồi giáo Rohingya rời bỏ nhà cửa để sang Bangladesh tị nạn bắt đầu từ hôm 25-8, sau khi Arsa triển khai hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào đồn quân sự và cảnh sát. Những người trốn chạy cho biết quân đội Myanmar đã đáp trả bằng bạo lực, bao gồm đốt phá làng mạc của người dân để đuổi họ đi. Nhưng khi đến Bangladesh, họ tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị sát hại và cưỡng bức. Quân đội Myanmar nói rằng họ chỉ tấn công lực lượng phiến quân chứ không nhằm vào người dân. Theo thống kê mới nhất của LHQ, cuộc khủng hoảng Rohingya đến nay đã khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng.

TRÍ VĂN (Theo BBC, CNN)

Người Hồi giáo Rohingya là ai?

Hiện có ít nhất 1 triệu người thiểu số Rohingya sinh sống ở Myanmar, đa số là người Hồi giáo, chỉ một ít là người theo đạo Hindu. Họ được cho có nguồn gốc từ Bangladesh và bang Tây Bengal (Ấn Độ), song người Rohingya đã có mặt ở Myanmar từ nhiều thế kỷ trước. Theo BBC, luật pháp ở Myanmar không thừa nhận dân tộc thiểu số Rohingya là một trong những dân tộc của nước này, do đó, họ không được công nhận quyền công dân và bị xem là người nhập cư bất hợp pháp.

Chia sẻ bài viết