21/06/2012 - 10:01

Lên Mù Cang Chải mùa nước đổ

Mù Cang Chải mùa nước đổ trên những thửa ruộng bậc thang là những kiệt tác của thiên nhiên trong mắt du khách.

Nói đến Mù Cang Chải, người ta nghĩ ngay đến một kiệt tác do con người tạo nên: ruộng bậc thang. Mùa lúa chín, những cánh đồng ruộng bậc thang óng ả một màu vàng. Còn mùa này -mùa nước đổ ở Mù Cang Chải, ruộng bậc thang lại có một nét đẹp khác, đẹp hơn cả mùa vàng...

Ruộng bậc thang là “đặc sản” du lịch ở vùng núi Tây Bắc. Cứ mỗi mùa lúa chín, những nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên lũ lượt rủ nhau “săn” ảnh. Đến mùa nước đổ, khách lại lên Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) bởi cung đường đẹp với nhiều ruộng bậc thang loang loáng nước tạo thành một “kỳ quan” trong mắt du khách.

Muốn đến Mù Cang Chải, phải vượt đèo Khau Phạ, một trong những con đèo nổi tiếng bởi độ cao và nguy hiểm ở Tây Bắc. Đỉnh đèo nằm ở độ cao 2.100 mét nên đứng ở đây có cảm giác đứng giữa biển mây. Xa xa, mây là đà, có khi thấp hơn mặt đất chỗ đang đứng. Những tầng mây tạo nên cảm giác bồng bềnh. Qua khỏi đèo là đến Mù Cang Chải với lớp lớp ruộng bậc thang hiện ra trước mắt. Có những khu ruộng cao đến vài chục bậc thang, chất chồng lên nhau từ đồi này lên núi kia. Huyện này có đến 700 ha ruộng bậc thang. Khoảng một nửa tập trung tại La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình. Ruộng bậc thang ở ba xã này được mệnh danh “đệ nhất” Tây Bắc. Năm 2007, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng ruộng bậc thang ở khu vực này là Danh thắng cấp Quốc gia.

Nếu như mùa lúa chín, cả núi đồi ở Mù Cang Chải dường như chỉ có một màu vàng óng ả thì mùa này ruộng bậc thang trở nên sống động hơn. Vào mùa mưa (tức là mùa nước đổ), ruộng bậc thang ngập nước lung linh. Những cơn mưa tưới mát đồi nương, đọng lại trên những thửa ruộng bậc thang tạo một gam màu lấp lánh trên bức tranh thiên nhiên sinh động. Đứng nhìn từ xa, du khách lại thấy mặt nước in bóng mây trùng trùng điệp điệp. Những thửa ruộng trông như những nấc thang xinh xắn bắt từ đất lên đến mây trời. Những màu sáng loáng của mặt nước trên các thửa ruộng xen lẫn những vệt xanh non của mạ ở những thửa vừa cấy xong, điểm xuyết là hình ảnh sống động những người nông dân đang cùng con trâu cày ải hay những người phụ nữ đang khom mình cấy lúa. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động và hữu tình như một bức thủy mặc. Những người thích chụp ảnh như bị hút hồn bởi bức tranh này bởi vậy họ không ngại vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số để đến đây để chiêm ngưỡng và chụp ảnh.

Nghề trồng lúa nước của người Mông bản địa đã hình thành từ địa hình đồi núi cao. Người ta đã “đục đẽo” sườn dốc của những ngọn núi, chia chúng thành những tầng bậc, giữ nước trồng lúa. Nghề nông nhờ nước trời mà phát triển. Suốt hơn một trăm năm qua, nghề trồng lúa vẫn được duy trì theo phương pháp truyền thống. Người ta vẫn nhờ sức trâu để cấy cày, nhờ nước trời để tưới tiêu. Có ruộng trồng lúa, người ta không còn phá rừng để làm nương rẫy. Rừng vẫn xanh bên những thửa ruộng bậc thang. Cách Hà Nội chừng 300 cây số, Mù Cang Chải là điểm đến thú vị trong những ngày cuối tuần của du khách miền Bắc. Gần đây, nhiều du khách trong Nam cũng mê mệt vùng này bởi thiên nhiên xinh đẹp và hùng vĩ. Cứ đến “mùa” Mù Cang Chải, người ta lại rủ nhau ra Bắc rồi kéo nhau lên đây để “rửa mắt”.

Con người ở Mù Cang Chải cũng đã tạo sắc thái riêng cho du lịch địa phương. Với 90% dân số là người Mông, huyện miền núi này mang đậm đặc trưng văn hóa dân tộc Mông, thích hợp cho việc nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật. Người Mông cư ngụ ở vùng sườn đồi, có bốn nhóm được gọi tên gắn với màu váy của người phụ nữ: Mông Trắng, Mông Đen, Mông Hoa và Mông Đỏ. Bên cạnh nghề trồng lúa nước, bà con người Mông còn có nghề rèn đúc làm công cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nghề làm đồ trang sức bằng bạc và đồng và nghề dệt vải bằng sợi lanh vốn không còn phổ biến ở nhiều vùng có nghề dệt truyền thống.

Sau khi rong ruổi trên những con đèo hun hút gió để săn ảnh ruộng bậc thang mùa nước đổ, du khách dừng chân giữa lưng đèo để nghe suối hát và ghé vào bản làng để trải nghiệm và tìm hiểu những nghề truyền thống của người dân bản địa. Nếu có dịp, vào cuối tuần, một chuyến đi ngược lên miền núi Tây Bắc, khách tìm đến Mù Cang Chải để thưởng lãm thiên nhiên xinh đẹp, để tìm hiểu nét văn hóa còn giữ nguyên vẹn của người Mông quả là thú vị...

Bài, ảnh: TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết