17/04/2018 - 14:49

Lee Chang Dong và bức tranh hiện thực xã hội Hàn Quốc 

Liên hoan phim quốc tế Cannes 2018 vừa công bố danh sách các phim tranh giải năm này, trong đó Hàn Quốc có 2 tác phẩm: “Buring” và “Dure”. “Buring” là tác phẩm đánh dấu sự trở lại sau 8 năm của đạo diễn tài năng Lee Chang Dong, nổi tiếng với những nốt trầm về hiện thực xã hội.

Lee Chang Dong (ảnh) là một trong những đạo diễn hàng đầu thời kỳ đổi mới điện ảnh Hàn Quốc, bên cạnh Im Kwon Taek, Park Chan Wood, Bong Joo Ho. Vốn là nhà giáo kiêm tiểu thuyết gia, Lee Chang Dong có phong cách đặc biệt khi lấn sân đạo diễn. Tác phẩm của ông mô tả sâu sắc những góc tối xã hội đương đại, hay lột tả dáng vẻ mệt mỏi của con người trong cuộc sống hiện tại.

“Green Fish” (1997) là tác phẩm đầu tay Lee Chang Dong đạo diễn, mang đến cho người xem không ít bất ngờ. Khai thác tâm lý của một thanh niên sa chân vào thế giới ngầm, Lee Chang Dong đã khéo léo lột tả, phê phán xã hội Hàn Quốc. Góc nhìn mạnh mẽ và nhân văn của “Green Fish” đã mang về cho Lee Chang Dong chiến thắng Phim xuất sắc nhất tại giải Rồng xanh năm 1997, giải Dragons and Tiger Award tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Vancouver 1997. Sau đó, ông cho ra đời những tác phẩm: “Peppermint Candy” (1999), “Oasis” (2002), “Secret Sunshine” (2007)… đều mang về giải thưởng tại các kỳ LHP quốc tế.

Phim của Lee Chang Dong không màu mè, kiểu cách mà chỉ đơn giản dẫn dắt người xem vào những hành trình tìm kiếm hạnh phúc, thông qua những đau thương mà nhân vật phải đối diện. Ông không gai góc tiếp cận trực tiếp mâu thuẫn xã hội như các đạo diễn khác, mà tinh tế và lặng lẽ phân tích từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Vì vậy phim của Lee Chang Dong như một nốt trầm chờ người đủ tinh tế đến quan sát, suy ngẫm.

Điều đó dễ thấy trong “Poetry” (2010), tác phẩm làm nên tên tuổi Lee Chang Dong tại LHP Cannes khi mang về chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất. Phim mở đầu bằng những đứa trẻ đang chơi đùa bên bờ sông và bất ngờ thi thể của một nữ sinh trôi đến. Hành trình truy tìm nguyên nhân cái chết của cô gái dẫn đến bà lão hiền lành Mija, người đang phải đối mặt với căn bệnh mất trí nhớ, cũng như sự dằn vặt về bí mật đứa cháu ruột gián tiếp gây nên cái chết cho một cô bé...

Những ai đã từng tiếp xúc với phim của Lee Chang Dong sẽ không hề ngạc nhiên với những nhân vật như thế. Những nhân vật trong tác phẩm của ông thường đứng ngoài lề xã hội nhưng luôn khao khát, tìm kiếm hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống. Ông phản ánh trực diện những góc tối của xã hội đương đại thông qua những người tàn tật, tội phạm, nạn nhân. Qua những mảnh đời không hoàn hảo, đầy bi kịch đau thương, Lee Chang Dong để họ khao khát, ước mơ được sống và làm người tử tế.

Lee Chang Dong từng nói: “Tôi không rõ sự đau đớn có đẹp hay không, nhưng tôi luôn trăn trở hạnh phúc sẽ là gì nếu không có những tổn thương? Chúng ta kiếm tìm sự hoàn mỹ, vì thực tại không bao giờ là hoàn mỹ”. Với khán giả, Lee Chang Dong đã vẽ Hàn Quốc ở một góc nhìn khác, không hoàn hảo nhưng nhiều cảm xúc.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Variety, Yonhapnews)

Chia sẻ bài viết