09/01/2018 - 16:29

Làng trẻ em SOS Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất 

Ngày 9/1, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Làng trẻ em SOS Việt Nam (1987-2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan (bên phải) trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động-Thương binh và Xã hội cho bà Shu Bha Murthi, Giám đốc quốc tế phụ trách khu vực châu Á, Làng trẻ em SOS quốc tế tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 22/12/1987, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Làng trẻ em SOS quốc tế đã ký Hiệp định về việc xây dựng, phát triển Làng trẻ em SOS Việt Nam. Làng trẻ em SOS thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình gia đình thay thế với bốn nguyên tắc của tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế là "bà mẹ, anh-chị-em, ngôi nhà và cộng đồng làng." Mỗi làng cơ sở có từ 12-20 gia đình. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án được thực hiện, như chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, dự án hỗ trợ Trường mẫu giáo, phổ thông Hermann Gmeiner và các cơ sở dạy nghề... 

Báo cáo về hoạt động 30 năm qua, Giám đốc quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam Đỗ Tiến Dũng cho biết đến nay, Làng trẻ em SOS Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng Làng trẻ em SOS và số trẻ hưởng lợi đứng thứ 3 trong 135 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động của Làng trẻ em SOS (sau Ấn Độ và Brazil). 

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Làng trẻ em SOS quốc tế đã tài trợ cho Việt Nam gần 120 triệu USD. Số kinh phí này bao gồm 25% chi cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, phương tiện ban đầu và 75% chi cho hoạt động thường xuyên. Đến nay, 17 làng trẻ em SOS cơ sở đã và đang nuôi dưỡng gần 6.000 trẻ, trong đó, hơn 2.800 trẻ đã trưởng thành, hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, lập gia đình riêng. Hiện có khoảng 3.100 trẻ đang được nuôi dưỡng tại các Làng trẻ em SOS. Khoảng 70% các em trưởng thành, rời Làng trẻ em SOS đều được đào tạo chuyên môn nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau. 

Chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng (còn gọi là chương trình hỗ trợ cộng đồng) góp phần hỗ trợ tài chính cho các gia đình để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, tạo điều kiện cho trẻ tiếp tục được sống cùng người thân, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bỏ nhà lao động sớm, rơi vào tệ nạn xã hội. Hiện nay, hơn 1.600 trẻ đang được nuôi dưỡng tại 1.556 gia đình; hơn 1.200 cháu trưởng thành và rời chương trình. Mỗi năm, các trường mẫu giáo và trường phổ thông Hermann Gmeiner tiếp nhận khoảng 13.000 học sinh. 

Làng trẻ em SOS Việt Nam có 3 xưởng thực hành kỹ năng 4 nghề phổ thông là mộc, cơ khí, điện dân dụng và nghề nước tại Làng trẻ em SOS Bến Tre, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa). Mỗi năm, khoảng 30-40 học sinh theo học; 100% học sinh thuộc các gia đình nghèo được Làng trẻ em SOS Việt Nam cấp học bổng, ở miễn phí tại các lưu xá thanh niên. Khoảng 90% học viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm ngay trong tháng đầu tiên. Một số thanh niên đã mở xưởng nghề sửa chữa. 

Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner tại Việt Trì (Phú Thọ) đã đào tạo hơn 1.500 học sinh, trong đó hơn 42% học sinh nghèo đã được nhận học bổng. Riêng năm bọc 2017-2018 có 80% học sinh nghèo được Làng trẻ em SOS Việt Nam cấp học bổng... 

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS Việt Nam, đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp của Việt Nam với Làng trẻ em SOS quốc tế trong 30 năm qua. Bộ trưởng khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện để triển khai các chương trình, dự án do Làng trẻ em SOS quốc tế tài trợ. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ Làng trẻ em SOS Việt Nam có đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên hết sức nhiệt tình, tâm huyết và tận tụy với công việc, tự nguyện cống hiến sức lực, tình cảm cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thương yêu, chăm lo cho trẻ từng miếng ăn, giấc ngủ, xây đắp nên tổ ấm gia đình, là chỗ dựa, mang lại hạnh phúc cho các cháu. 

Bộ trưởng đề nghị Làng trẻ em SOS Việt Nam tiếp tục tìm giải pháp hiệu quả nhằm làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em, trang bị tốt kiến thức, điều kiện cần thiết để khi trưởng thành các cháu dễ hòa nhập xã hội. 

Đại diện các Làng trẻ em SOS các tỉnh, thành phố nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, Làng trẻ em SOS cần nghiên cứu để từng bước mở rộng hỗ trợ tài chính cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động vận động quyên góp từ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước. Các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ nhất định về kinh phí để nuôi dưỡng thường xuyên trẻ em trong các Làng trẻ em SOS. 

Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho Làng trẻ em SOS Việt Nam. Nhiều đơn vị có đóng góp trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2017 được trao tặng Bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết