20/05/2018 - 16:45

Làng quê đang dần biến mất ở Hàn Quốc 

Cùng với việc thanh niên nông thôn đổ lên thành phố kiếm sống và không trở về, nhiều ngôi làng nhỏ trên khắp Hàn Quốc đang bên bờ vực bị xóa sổ.

Điển hình như ở Gangwon, một trong những tỉnh có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất xứ kim chi. Theo số liệu công bố vào năm ngoái của Cục Thống kê Hàn Quốc, tuổi trung bình của dân cư Gangwon được dự báo sẽ là 60,9 vào năm 2045 so với mức 43,8 tuổi hồi năm 2015. Lúc đó, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) của vùng nổi tiếng về trồng khoai tây này sẽ giảm còn chưa đầy 50% trong tổng dân số 1,57 triệu người.

Lao động nước ngoài làm việc tại một trang trại ở Hàn Quốc. Ảnh: The Korea Herald

Kim Ho-sung - chủ trung tâm tiệc cưới lớn nhất huyện Cheorwon - cho biết khu vực ông ở thực sự thiếu thanh niên vì họ đã đến thành phố làm việc và kết hôn. “Cho đến nay, chỉ có 3 cặp đặt chỗ tổ chức đám cưới trong năm nay và tôi  không hy vọng có thêm khách. Nhưng việc càng ít đám cưới hơn đồng nghĩa tôi sẽ phá sản”- ông Kim than thở với báo Korea Herald.

Giống như những người cao tuổi khác ở làng Gimhwa-eup, ông Kim lo sợ ngôi làng mà mình yêu thương sẽ dần biến mất. “Bạn không bao giờ nhìn thấy trẻ sơ sinh ở đây. Mọi thứ sẽ không trở nên tốt đẹp hơn khi mà dân số già đi nhanh hơn”- ông Kim lo lắng. Mối lo này hoàn toàn có cơ sở, bởi số liệu của Bộ An ninh và Quản lý công Hàn Quốc cho thấy nước này đã trở thành “xã hội già” vào tháng 4 - thời điểm số người trên 65 tuổi chiếm hơn 14% dân số. Và trong thời gian 17 năm, Hàn Quốc đã chuyển từ một “xã hội đang già” (được xác định khi số người cao tuổi chiếm 7% tổng dân số) thành một “xã hội già”.

Bên cạnh lão hóa dân số, thì tình trạng tỷ lệ sinh sản giảm cũng là nguyên nhân khác đằng sau xu hướng thu nhỏ của vùng nông thôn Hàn Quốc. Dữ liệu của Cục Thống kê nước này cho thấy, hơn 64% huyện nông thôn đón nhận chưa tới 300 trẻ sơ sinh chào đời vào năm ngoái.

Giống như những tỉnh khác, giới chức Gangwon đã cố tăng tỷ lệ sinh bằng cách cấp tiền thưởng chăm sóc trẻ và điều trị hiếm muộn, nhưng các nỗ lực đó đã thất bại. “Vấn đề là công ăn việc làm ngày càng tập trung ở thành thị, trong khi việc làm còn lại ở miền quê chủ yếu là liên quan tới đồng áng. Do các lao động trẻ di cư đến thành thị, các công việc ở nông thôn dần bị loại bỏ và dân số giảm sút. Nó trở thành một vòng luẩn quẩn”- Chang Yong, một quan chức huyện Cheorwon, lý giải.

Trước tình trạng thiếu nhân lực kéo dài, nhiều nông dân đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ thuê lao động nông nghiệp từ nước ngoài - kế hoạch mà họ cho là sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ông Jung Sang-wook, chủ một nông trại hồ tiêu tương đối lớn ở huyện Cheorwon, cho biết bản thân may mắn vì vẫn thu lợi từ đồng áng, nhờ thuê được 6 lao động đến từ Nepal, Thái Lan và Campuchia.

Song ông Jung thừa nhận những chủ nông trại quy mô nhỏ hơn không thể thuê được nhân công - cả trong nước lẫn nước ngoài. Một phần vì mức lương tối thiếu đã tăng và sẽ tiếp tục tăng trong năm tới - dự kiến lên mức 1,9 triệu won (1.760 USD)/người/tháng. Bên cạnh đó, giá hóa chất nông nghiệp cũng tăng, còn giá nông sản lại quá thấp. 

Trong khi đó, nỗi lo của 2 vợ chồng cụ Kim Jae-hwan và Lee Bok-hee lại không nằm ở vấn đề thu nhập, mà là  truyền thống và lối sống ở nông thôn có thể biến mất theo thời gian. “Làm nông thật sự dạy cho bạn nhiều điều, từ cách làm sao gieo trồng và thu hoạch mùa vụ cho đến giá trị của lao động vất vả và tự nhiên. Tôi không thể truyền lại kiến thức này cho thế hệ trẻ nữa, nếu không có thanh niên nào đến với làng chúng tôi” - cụ Kim bày tỏ.

AN NHIÊN

Chia sẻ bài viết