02/10/2018 - 21:51

Làng nghề đan lọp tép Thới Mỹ 

Hằng năm, cứ tầm tháng 3 âm lịch trở đi, Tổ Nghề nghiệp đan lọp tép khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long, quận Ô Môn bắt đầu hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong mùa nước nổi. Năm nay, nước lũ về sớm,  khách hàng nhiều tỉnh đến Tổ Nghề nghiệp đan lọp tép khu vực Thới Mỹ đặt mua lọp tép với số lượng lớn, bán được giá cao nên các thành viên của Tổ rất phấn khởi. 


 Anh Thuận (bìa trái)  hoàn thành những công đoạn cuối cùng để giao lọp tép cho khách hàng.

Nghề đan lọp tép ở khu vực Thới Mỹ được người địa phương xem là nghề truyền thống, hình thành từ trước năm 1975. Lúc đầu, lọp tép được đan chủ yếu phục vụ gia đình và dân trong xóm đánh bắt tép vào thời điểm nước nổi. Thấy nhu cầu lọp tép ngày một cao, nhiều người trong xóm bắt tay vào kinh doanh. Từ đó, nghề đan lọp tép trở thành nghề chính của nhiều gia đình cho đến tận bây giờ. Ông Lê Văn Thuận, khu vực Thới Mỹ, cho biết: “Ở đây, làm lọp tép làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Mùa nước nổi, lọp bán chạy, mang lại nguồn thu nhập khá”. Hằng năm, gia đình ông Thuận bán ra thị trường khoảng 20.000 cái lọp tép, với giá bán 18.000- 22.000 đồng/cái. Mỗi cái lọp, sau khi trừ hết các khoản chi phí, ông còn lời từ 4.000 đến 6.000 đồng.

Gia đình ông Thuận làm nghề đan lọp tép hơn 25 năm. Để làm ra số lượng lớn, ông Thuận thuê lao động trong xóm làm gia công và ăn theo sản phẩm. Theo ông Thuận, nghề đan lọp tép cũng lắm công phu, phải qua hơn chục công đoạn mới hoàn chỉnh. Trước tiên, người làm phải mua được nguyên liệu tre, trúc rồi thuê người cưa thành khúc, chẻ thành từng cọng nhỏ, vót nan, dệt khung, làm vành cho đến khi lắp ráp... Mỗi ngày, trung bình, 1 người làm lọp tép có thu nhập 80.000- 120.000 đồng. Trước đây, lọp tép ở khu vực Thới Mỹ chủ yếu tiêu thụ nhiều ở An Giang, Đồng Tháp; những năm trở lại đây, thị trường mở rộng thêm ra Sóc Trăng, Hậu Giang và một số tỉnh khác.

Nghề đan lọp tép mang tính thời vụ, nhưng giúp nhiều người có thêm thu nhập, giải quyết được lực lượng lao động nhàn rỗi. Ông Ngô Văn Lựa, thành viên của Tổ, phấn khởi nói: “Năm 2018, tôi xuất bán được 14.000 cái lọp tép với giá 20.000 đồng/cái. Trừ các khoản chi phí, tôi còn lời khoảng 80 triệu đồng”. Theo ông Lựa, giá nguyên vật liệu năm nay tăng cao. Vì thế, giá lọp cũng tăng, hiện tại, lọp tép rất hút hàng. Ông Lê Kim Y, Tổ trưởng Tổ Nghề nghiệp đan lọp tép khu vực Thới Mỹ, cho biết: “Tổ Nghề nghiệp đan lọp tép khu vực Thới Mỹ hiện có 7 thành viên; hằng năm, các thành viên trong tổ cung cấp ra thị trường khoảng 250.000 cái lọp tép”.

Ông Võ Văn Hai, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Long, cho biết: “Để duy trì làng nghề truyền thống đan lọp tép, năm 2017, Hội Nông dân phường đã thành lập Tổ Nghề nghiệp đan lọp tép khu vực Thới Mỹ. Đây là tổ nghề nghiệp do Hội chủ trì xây dựng, Hội Nông dân phường đã phối hợp, tạo thuận lợi cho các thành viên trong Tổ mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập”. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hai, hiện nay, nguồn vốn cho vay ưu đãi dành cho các hộ sản xuất còn ít. Do đó, một trong những nhiệm vụ của Hội Nông dân phường là tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để các hộ sản xuất, kinh doanh lọp tép ở khu vực được tiếp cận nhiều hơn đối với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư thiết bị, nguyên liệu nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh... 

K.V

Chia sẻ bài viết