29/10/2018 - 07:40

Láng giềng và cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka 

Việc Tổng thống Maithripala Sirisena cuối tuần rồi bất ngờ cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và thay thế bằng cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã đưa Sri Lanka vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp khi có tới 2 người tuyên bố mình là thủ tướng hợp pháp.

Lý do Tổng thống Sirisena sa thải Thủ tướng Wickremesinghe được cho là do những bất đồng giữa hai người về chính sách kinh tế và cách thức vận hành bộ máy chính phủ. Mới đây nhất, trong cuộc họp nội các ngày 16-10, hai nhà lãnh đạo đã “khẩu chiến” xung quanh việc có để Ấn Độ tham gia phát triển cảng Colombo hay không. Theo đó, Tổng thống muốn tự Sri Lanka thực hiện trong khi Thủ tướng đề nghị hợp tác với quốc gia láng giềng. Trong cuộc họp này, ông Sirisena cũng tố cáo tình báo Ấn Độ âm mưu ám sát mình dù sau đó nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Ngoại giao Sri Lanka, đã lên tiếng bác bỏ.

Không như cựu Tổng thống Rajapaksa, người được cho là thân Trung Quốc và bị quy trách nhiệm trong vụ Sri Lanka phải giao cảng Hambantota cho Bắc Kinh trong 99 năm để “gán” khoản nợ 1,5 tỉ USD, Thủ tướng Wickremesinghe chủ trương giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đồng thời tăng cường hợp tác với Ấn Độ và Nhật Bản. Trước khi lên đường thăm Ấn Độ hôm 18-10, ông đã hủy hợp đồng 300 triệu USD với một  doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về việc xây dựng 40.000 ngôi nhà, thay vào đó là thành lập liên doanh với Ấn Độ xây dựng 28.000 ngôi nhà trị giá 210 triệu USD.

Trong quan hệ với Nhật Bản, tháng 1 năm nay, lần đầu tiên trong vòng 16 năm qua một Ngoại trưởng Nhật Bản đã đến thăm Sri Lanka. Đến tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật lại sang Sri Lanka và ghé qua cảng Hambantota, nơi nhiều cường quốc lo ngại sẽ bị Trung Quốc biến thành một căn cứ quân sự. Đầu tháng này, tàu sân bay trực thăng Kaga, chiến hạm lớn nhất của Nhật, cũng vào cảng Colombo.

Về phần mình, Tổng thống Sirisena khi mới nhậm chức năm 2015 đã cho đình chỉ nhiều dự án hạ tầng do Trung Quốc tài trợ. Tuy nhiên, khoảng một năm sau các dự án này bắt đầu được hoạt động trở lại với một số điều chỉnh. Có thể nói, lập trường của Tổng thống Sirisena về quan hệ với Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn, nhất là từ tháng 7 năm nay khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cung cấp cho Sri Lanka khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 295 triệu USD mà ông có thể “tùy nghi sử dụng” vào bất kỳ dự án nào. Việc bất ngờ sa thải Thủ tướng Wickremesinghe và đưa trở lại chính trường nhân vật thân Bắc Kinh Rajapaksa (ảnh) cũng được thực hiện trước khi Tổng thống Sirisena có chuyến thăm Trung Quốc.

Tuy có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 65.000 cây số vuông và dân số 22 triệu người, nhưng Sri Lanka nằm ở vị trí “đắc địa” nên được các cường quốc láng giềng rất quan tâm. Nước này nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương, mà Nhật đang xúc tiến chiến lược “Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nên vai trò của Colombo là không thể thiếu. Trong khi đó, Sri Lanka là mắt xích quan trọng trong chiến lược “Chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh nhằm khống chế Ấn Độ Dương. Về phần mình, New Delhi xem Ấn Độ Dương là “sân sau” nên không thể khoanh tay đứng nhìn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Sri Lanka - quốc gia chỉ cách Ấn Độ eo biển Palk rộng hơn 50km. 

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết