08/04/2017 - 15:51

Lắng đọng “Tình đẹp Cầm Thi”

Trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ II đang diễn ra tại tỉnh Bình Dương, đoàn nghệ nhân Cần Thơ tham gia Liên hoan ĐCTT với chủ đề "Tình đẹp Cầm Thi". Việc tập dợt, chuẩn bị chu đáo cùng sự góp mặt của những tài tử gạo cội mang đến liên hoan chương trình đậm bản sắc Tây Đô.

"Tình đẹp Cầm Thi" gồm 6 tiết mục độc tấu, hòa tấu, hòa ca ở đủ các bản lớn của ĐCTT: Nam, Bắc, Oán, Bắc Lễ và vọng cổ. Ngoài nghệ nhân Ngọc Vẹn tuổi đời còn khá trẻ thì các nghệ nhân tham gia năm nay đều có kinh nghiệm "chinh chiến" ở nhiều sân chơi ĐCTT mấy mươi năm qua như Hai Lợi, Hoàng Lưỡng, Thanh Tùng, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Kiều Nga, NNƯT Trường Út, NNƯT Ái Hằng… Một số tiết mục được kỳ vọng tại liên hoan là tiết mục ca ra bộ "Chuyện cái hàng rào" do đôi NNƯT Trường Út- Ái Hằng thể hiện, bài "Đất phương Nam" theo thể điệu Phụng hoàng lai nghi qua giọng ca NNƯT Kiều Nga, độc tấu đờn tranh của nghệ nhân Hai Lợi…

Nghệ nhân Hai Lợi với ngón đờn tranh mùi mẫn.

Vừa trở về từ chương trình "Đường đến danh ca vọng cổ", NNƯT Trường Út khá tự tin với tiết mục mình đảm trách do học được nhiều kỹ thuật ca trong diễn, diễn trong ca- đặc trưng của ca ra bộ, từ các nghệ sĩ cải lương gạo cội. Anh Trường Út cho biết, tiết mục đòi hỏi sự tung hứng giữa anh và NNƯT Ái Hằng và hai người đã làm nghề chung nhiều năm nên khá ăn ý. Còn với nghệ nhân Hai Lợi, độc tấu đờn tranh bài vọng cổ nhịp 8 không làm khó được ông khi gần trọn đời người gắn bó với ngũ cung. Tiếng đờn tranh của nghệ nhân Hai Lợi nức tiếng trong giới tài tử đồng bằng bởi sự đầy đặn trong âm sắc, mùi mẫn, tình tứ nên cũng là "ẩn số" tại liên hoan.

Một phần thi khá đặc biệt của đoàn Cần Thơ là nghệ nhân Thanh Tùng với bản vọng cổ nhịp 16 "Mênh mông Đông Bình", một sáng tác mới của tác giả Võ Hiếu Hòa. Người ca được bản vọng cổ nhịp 16 nay đã hiếm và càng hiếm hơn với kiểu ca chẻ nhịp, lòn hơi. Nghệ nhân Thanh Tùng làm được điều đó. Còn nhớ lại Liên hoan ĐCTT quốc gia lần I tại Bạc Liêu, Thanh Tùng đã đạt Huy chương vàng cũng với bài vọng cổ nhịp 16- "Tâm sự Cao Văn Lầu". Anh Tùng cho biết, anh cũng là nghệ nhân Cần Thơ được mời biểu diễn trong đêm khai mạc Festival ĐCTT quốc gia tại Bình Dương với bản Xuân tình (lớp 1 và lớp 4). "Thành tích huy chương vàng ở Bạc Liêu cũng như được chọn ca trong đêm khai mạc là động lực để tôi phấn đấu tập luyện, vì vinh dự của ĐCTT Cần Thơ"- anh Tùng nói.

Nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, cố vấn nghệ thuật chương trình dự thi của đoàn nghệ nhân Cần Thơ, cho biết: chương trình đã khai thác thế mạnh của các nghệ nhân và cũng là những bản sắc của ĐCTT. Hầu hết các nghệ nhân đã có kinh nghiệm thi diễn nhiều nên khá tự tin. Ngoài tham dự liên hoan, đoàn nghệ nhân Cần Thơ còn có không gian ĐCTT riêng. Trong đó, hoạt động truyền nghề sẽ được tái hiện rõ nét với sự tham gia của các nghệ nhân lớn tuổi như NNƯT Minh Thơ, Đào Xinh cùng các giọng ca thiếu nhi. Theo thể lệ, ban giám khảo đến từng không gian ĐCTT để trắc nghiệm kiến thức nghệ nhân về 20 bài bản tổ của ĐCTT và yêu cầu đờn ca đúng điệu. Nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh cho biết thêm: "Đoàn nghệ nhân Cần Thơ khá vững vàng và tự tin đến với Festival ĐCTT".

Những nỗ lực của đoàn nghệ nhân Cần Thơ hy vọng sẽ mang về "trái ngọt", gia tăng niềm vui khi mảnh đất Tây Đô tự hào là đơn vị đăng cai Festival ĐCTT quốc gia lần III.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết