05/10/2016 - 20:23

Lắng đọng “Cổ tích à ơi”

Từ những câu ca dao, dân ca, hát ru quen thuộc, tác giả Minh Yên đã có sự lý giải sáng tạo qua những câu chuyện cổ tích thấm đẫm tình người. Tập truyện "Cổ tích à ơi" do NXB Trẻ ấn hành năm 2016 gồm 7 câu chuyện được hư cấu khá thú vị, bất ngờ.

7 câu chuyện trong tập truyện là sự tích về những câu hát ru trong dân gian, gồm: "Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai", "Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay", "Cái cò đi đón cơn mưa. Tối tăm mù mịt ai đưa cò về", , "Em tôi khát sữa bú tay. Ai cho bú thép ngày rày mang ơn", "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa. Bao giờ dân nổi can qua. Con vua thất thế lại ra quét chùa", "Bồng bồng cõng chồng đi chơi. Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng. Ai có thương thì cho mượn chiếc gàu sòng. Để tôi tát nước múc chồng tôi lên". "Bao giờ cho đá nảy mầm. Cho sung ra nụ cho hành ra hoa. Bao giờ trạch đẻ ngọn đa. Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình".

 

Thuộc thể loại cổ tích nên các truyện không nằm ngoài mô típ quen thuộc: "Ở hiền gặp lành", "Thiện – ác phân tranh", "Nhân - quả báo ứng"… Tuy nhiên, cái ác, cái xấu trong truyện rất ít mà mỗi câu chuyện đều toát lên vẻ đẹp của lòng nhân, của tính thiện, cộng thêm văn phong mượt mà, ngọt ngào khiến từng trang viết nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc, để lại những cảm xúc lắng đọng.

"Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai" là sự trắc ẩn của người phụ nữ không nỡ bỏ con để nên duyên mới. Nhưng với truyện "Bong bóng lệ", người góa phụ khi lâm cảnh đường cùng đành hy sinh bản thân, lấy chồng khác để có tiền trị bệnh cho mẹ và cho con gái có cuộc sống tốt hơn. Hay đằng sau bài ca có tính trào phúng, hài hước về chuyện lấy chồng con nít lại là một câu chuyện tình buồn và cảm động. Cậu bé tên Nguyên lấy vợ khi mới 8 tuổi. Khi trưởng thành, Nguyên yêu vợ nhưng lại tác hợp cho vợ và người yêu cũ khi nhận ra rằng anh sẽ không có hạnh phúc với mối lương duyên ép buộc này (Mảnh tình đánh rơi). Đặc biệt, truyện "Người quét lá đa" khiến người đọc kính phục sự mưu trí và sự hy sinh cao cả của vị vua tuy hay đau bệnh nhưng rất sáng suốt. Người đã chấp nhận rời bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho vị tướng tài để đất nước, muôn dân không rơi vào tay kẻ ác.

Trong tập truyện, không chỉ có con người mà cỏ cây, loài vật cũng đều có tình cảm, đều biết hy sinh cho người mình yêu thương. Đó là câu chuyện về cây cải chấp nhận bị gió cuốn đi, nhường đất, nhường nước cho người bạn rau răm sống sót qua cơn hạn hán (Gió đưa cải về đâu). Hay con cò trắng quyết tâm tu luyện thành người để đền đáp công ơn của vị đại tiên mà nó yêu mến, kính trọng (Giấc mơ trắng)…

Điểm sáng trong mỗi câu chuyện là nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ, là tinh thần an nhiên, tự tại, biết thế nào là đủ, là hạnh phúc. Cô con gái bé nhỏ trong "Bong bóng lệ" sau khi mẹ đi lấy chồng đã một tay chăm sóc bà, tiếp tục sống tốt để không phụ lòng mẹ; hay cô bé mất hết người nhà sau cơn lũ dữ và trận đói hoành hành trong truyện "Em tôi mồ côi" đã gạt bỏ mọi đau buồn để bắt đầu cuộc sống mới. Vị vua sau khi nhường ngôi đã an phận làm người quét lá đa trong chùa, con cò trắng chỉ muốn làm người bằng chính sự phấn đấu, nỗ lực của mình chứ không dựa dẫm vào người khác… Tất cả đã tạo nên những nét đẹp cho mỗi nhân vật.

Sức hấp dẫn của các câu chuyện còn ở chỗ bố cục và cách viết sáng tạo, khéo léo, một số truyện có kết cấu tương tự như một bộ phim điện ảnh, mang lại sự bất ngờ và cuốn hút.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết