30/01/2013 - 20:40

Làng bánh phồng Phú Mỹ nhộn nhịp mùa Tết

Hiện nay, bánh phồng Phú Mỹ có mặt khắp các tỉnh ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ,
Cà Mau, Kiên Giang...
 

Những ngày đầu tháng Chạp, tại các cơ sở của làng nghề làm bánh phồng Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nhộn nhịp hẳn. Hiện bánh phồng Phú Mỹ không chỉ có mặt tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có  ở TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia.

Theo những cơ sở làm bánh phồng tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, bánh phồng là đặc sản có từ lâu của người dân Phú Mỹ được nhiều người biết đến. Với hương vị thơm ngon đặc trưng của các loại bánh phồng sữa, bánh phồng mè… tạo nên thương hiệu riêng cho làng nghề bánh phồng Phú Mỹ. Ông Dương Văn Nghĩa, Chủ cơ sở bánh phồng Thanh An tại ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, cho biết: “Cơ sở bánh phồng Thanh An đã hình thành và phát triển trên thị trường hơn 30 năm. Cơ sở sản xuất trung bình từ 2.500-3.000 cái/ngày, nhưng từ tháng Chạp trở đi, cơ sở hoạt động liên tục, mỗi ngày sản xuất từ 10.000-15.000 cái để đáp ứng nhu cầu cho thị trường Tết”. Theo ông Dương Văn Nghĩa, để tạo hương vị thơm ngon, dịu ngọt của từng chiếc bánh phồng, nhất là trong ngày Tết, đòi hỏi người thợ làm bánh phải tỉ mỉ với từng công đoạn như: ngâm ủ nếp, nấu xôi, quết, cán, phơi… Làm bánh phồng đòi hỏi công phu và mất khá nhiều thời gian. Trước đây, thợ làm bánh phồng quết bột bằng chày tay, nay chuyển sang quết bằng máy kéo chày, nên công suất tăng rõ rệt. Tuy nhiên, giá nếp, mè, đường… tăng đáng kể, tiền công lao động cũng tăng mà giá bán không tăng, hiện chỉ từ 80.000-150.000 đồng/gói (100 cái) nên người làm bánh lợi nhuận không nhiều. Song, những người làm bánh phồng tại Phú Mỹ vẫn duy trì hoạt động để giữ làng nghề truyền thống và góp phần giải quyết  việc làm cho lao động địa phương.

Ở làng nghề bánh phồng Phú Mỹ có những gia đình làm bánh phồng đã trải qua ba thế hệ. Theo người dân tại thị trấn Phú Mỹ, gần Tết làng nghề bánh rất nhộn nhịp, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán, bánh làm không đủ bán. Do vậy, các cơ sở sản xuất bánh phồng nơi đây đều tận dụng hết công suất của máy quết bánh phồng để thay thế cho công đoạn quết thủ công nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện thị trấn Phú Mỹ có khoảng 25 cơ sở làm bánh phồng, mỗi ngày làng nghề bánh phồng Phú Mỹ cho ra thị trường khoảng 50.000 chiếc bánh và bán đi khắp nơi trong vùng ĐBSCL và TP HCM... Bánh phồng Phú Mỹ chủ yếu được đưa về các chợ đầu mối như: Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, nhất là ở TP Cần Thơ chiếm khoảng 60% lượng sản phẩm.

Theo những người làm nghề bánh phồng lâu năm, bánh phồng Phú Mỹ được xem là loại bánh truyền thống có hương vị đặc trưng được chế biến từ nguồn nếp do địa phương sản xuất với tên gọi quen thuộc “nếp Phú Tân”. Đây là loại nếp nổi tiếng có mặt từ lâu trên thị trường được nhiều người tin dùng và ưa chuộng. Chị Huỳnh Thị Huệ ở thị trấn Phú Mỹ, cho biết: “Để thưởng thức được chiếc bánh phồng thơm ngon, nhất là trong ngày Tết, người ăn phải kỳ công, chuẩn bị lò than với than đỏ hồng để nướng bánh. Đặc biệt, trong thời khắc giao thừa đón năm mới, ngồi bên chiếc lò than đỏ rực và thưởng thức chiếc bánh phồng vàng tươi bên người thân, không chỉ thể hiện ý nghĩa ấm cúng, đoàn tụ bên gia đình mà còn khiến mọi người tạm quên những lo toan sau một năm làm việc vất vả”. Chính những ý nghĩa sâu xa của chiếc bánh phồng ngày xuân đã giúp cho người dân làng nghề bánh phồng Phú Mỹ tâm huyết sống với nghề hơn. Tuy nhiên, làng nghề muốn phát triển bền vững rất cần hỗ trợ từ các ngành chức năng trong việc xây dựng thương hiệu, thị trường và nguồn vốn ưu đãi để người dân duy trì làng nghề.

     Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết