12/03/2011 - 10:00

Làn sóng biểu tình trỗi dậy ở Arabie Séoudite

Người biểu tình ở thị trấn Qatif hôm 10-3.
Ảnh: Reuters

Khi làn sóng biểu tình lật đổ dâng cao trong thế giới A-rập dẫn tới sự ra đi của các nhà lãnh đạo Tunisie và Ai Cập, báo giới phương Tây từng nhận định rằng Arabie Séoudite sẽ là một trong những nước “miễn nhiễm”. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy quốc gia giàu dầu mỏ này cũng đang chật vật đối phó với làn sóng nổi dậy.

Cũng giống như ở nhiều nơi khác, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter, các nhân vật đối lập tại Arabie Séoudite đã kêu gọi người dân xuống đường theo cái gọi là “Ngày thịnh nộ” vào hôm qua 11-3. Trước đó, ngày 10-3, cảnh sát Arabie Séoudite đã phải bắn chỉ thiên giải tán đám đông ít nhất 200 người Hồi giáo dòng Shiite biểu tình tại Qatif, thị trấn ở tỉnh Đông giàu dầu mỏ. Người biểu tình kêu gọi chính phủ cải cách và phóng thích những tù nhân bị bắt giữ mà không qua xét xử. Thiếu tướng Mansour al-Turki, người phát ngôn Bộ Nội vụ Arabie Séoudite, cho biết cảnh sát phải nổ súng cảnh cáo sau khi một số phần tử quá khích tấn công lực lượng an ninh, chứ không bắn vào người biểu tình. Tuy nhiên, theo Turki, một cảnh sát và 2 người khác đã bị thương trong cuộc giằng co và cảnh sát đang điều tra ai đứng sau gây ra cảnh đổ máu.

Diễn biến trên làm gia tăng lo ngại về khả năng ổn định ở quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở thế giới A-rập. Chính quyền Riyadh đã có một số động thái nhằm giải tỏa sức ép từ làn sóng biểu tình khắp khu vực. Quốc vương Abdullah, 87 tuổi, đã trở lại Arabie Séoudite vào cuối tháng 2, sau 3 tháng vắng mặt để điều trị bệnh, và thông báo nhiều chương trình cải cách kinh tế - xã hội. Kế hoạch cải cách trọn gói trị giá khoảng 36 tỉ USD bao gồm hỗ trợ nhà ở, cấp quỹ bình ổn lạm phát và hỗ trợ sinh viên. Ông cũng đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni và Shiite trong tuần này để giải tỏa nguy cơ xung đột.

Các tỉnh miền Đông Arabie Séoudite là nơi tập trung cộng đồng thiểu số người Shiite, vốn phàn nàn chính phủ do người Sunni nắm quyền phân biệt đối xử về việc làm, mặc dù chính phủ đã thông báo kế hoạch 385 tỉ USD trong 5 năm nhằm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và ngăn chặn thanh niên bị kích động theo xu hướng cực đoan. Hồi tháng Giêng, Bộ trưởng Lao động Adel Faqih cho biết Arabie Séoudite cần tạo ra 5 triệu việc làm cho đất nước vào năm 2030. Tỷ lệ thất nghiệp ở Arabie Séoudite hiện ở mức cao, với 43% người lao động ở lứa tuổi 20-24 không có việc làm.

N. KIỆT (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Chỉ 2 phút sau khi có báo cáo về việc cảnh sát bắn chỉ thiên giải tán biểu tình ở Arabie Séoudite, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 2 USD lên 115,6 USD/thùng. Để giảm sự lo lắng về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, Bộ trưởng dầu mỏ Arabie Séoudite - ông Ali Ibrahim al-Naimi cho biết nước này có thể đáp ứng bất kỳ nhu cầu gia tăng nào. Nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC này đã tăng dự trữ dầu thô ở Ai Cập, Hà Lan và Nhật Bản. Ông al-Naimi còn khẳng định Arabie Séoudite có hơn 3,5 triệu thùng dầu dự trữ trong nước.

Người biểu tình ở thị trấn Qatif hôm 10-3. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết