21/03/2018 - 07:44

Làm sao để giảm phơi nhiễm các chất độc hại từ nhựa? 

Một nghiên cứu công bố năm 2017 cho biết, con người đã thải ra khoảng 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa kể từ năm 1950. Đáng nói là chỉ 9% rác nhựa được tái chế và 12% bị đốt - đồng nghĩa 5,6 tỉ tấn rác nhựa vẫn đang tồn tại và gây ô nhiễm cho hành tinh xanh, hiện diện ở các bãi rác, trong lòng đại dương và vương vãi khắp môi trường sống, đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Nhiều nước hành động vì sức khỏe người dân

Theo các nhà khoa học, việc tái chế nhựa chỉ là giải pháp tạm thời chứ không xử lý dứt điểm cuộc “khủng hoảng” rác thải nhựa. Trước những hệ lụy tiêu cực mà rác nhựa gây ra cho môi trường cũng như sức khỏe con người, nhiều cá nhân, tổ chức và chính phủ đã tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm tăng cường tái chế nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa và tiến tới mục tiêu loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc sống thường ngày.

Điển hình là đầu năm nay, Chính phủ Anh đã ra lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa trong ngành sản xuất hóa mỹ phẩm như kem đánh răng hay sữa tắm. Hồi tháng 2, Đài Loan cũng bắt đầu cuộc chiến chống rác thải nhựa khi cho biết sẽ cấm sử dụng các loại ống hút nhựa tại những chuỗi thức ăn nhanh kể từ năm 2019. Đến năm 2020, Đài Loan sẽ mở rộng cấm các loại bộ dụng cụ ăn uống hay hộp xốp đựng thức ăn dùng một lần và một lệnh cấm triệt để dùng túi nhựa khi mua sắm dự kiến sẽ được ban hành vào năm 2030. Mới đây, bang đông dân thứ 2 của Ấn Độ là Maharashtra cũng đã triển khai lệnh cấm đối với chất dẻo, bao gồm quy định mới về việc sử dụng chai nhựa và túi nylon.

Chủ động giảm thiểu tác hại của nhựa đối với sức khỏe

Ở cấp độ cá nhân, các chuyên gia khuyến nghị mỗi người nên tự giảm sử dụng đồ nhựa như một cách để phòng tránh phơi nhiễm các chất độc hại từ nhựa bằng 8 cách dưới đây:

Đọc các con số trên đồ nhựa

Trên tất cả sản phẩm làm từ nhựa đều có in biểu tượng mũi tên xếp theo hình tam giác với ký hiệu số bên trong. Các con số này cho thấy sản phẩm nhựa đó có an toàn khi dùng đựng thực phẩm, nước uống hoặc tái chế được hay không.

Ảnh: Health Site
Ảnh: Health Site

Nhiều nghiên cứu cho thấy tất cả loại nhựa đều giải phóng các chất độc hại và ngấm vào thức ăn, nước uống, gây tổn hại sức khỏe. Cụ thể, những loại được đánh số 1 (PET, PETE) thường sử dụng làm chai/hộp dùng một lần, an toàn và có thể tái chế; số 2 (HDPE), 4 (LDPE) và 5 (PP) thường dùng đựng sữa, nước trái cây, hóa mỹ phẩm... khá an toàn và có thể tái chế; số 3 (PVC, Vinyl) và 6 (PS) khó tái chế và không nên dùng đựng đồ ăn, thức uống nóng; số 7 (hỗn hợp chất dẻo, bao gồm polycarbonate và BPA nguy hiểm) khó tái chế và chủ yếu sử dụng trong công nghiệp như sản xuất vỏ điện thoại, máy tính...

Thay thế đồ nhựa bằng vật dụng sành, sứ, thủy tinh 

Thay vì dùng thùng hay xô nhựa để chứa nước hoặc các chất lỏng khác, mọi người nên lựa chọn vật dụng làm bằng sành, sứ hoặc gốm hoặc thủy tinh. Tuy đồ nhựa thường rẻ tiền, nhẹ và dễ chùi rửa nhưng một số nghiên cứu cho thấy các loại chai/hộp nhựa PET khi dùng đựng thực phẩm như dầu, mắm, gia vị, ngũ cốc có thể giải phóng kim loại nặng hoặc các hóa chất độc hại như BPA. Nguy hiểm là những thứ này có thể ngấm vào thức ăn và đi vào cơ thể khi chúng ta tiêu thụ.

Dùng túi vải hoặc loại có thể tái chế khi mua hàng

Đây là lựa chọn thân thiện môi trường để thay thế những sản phẩm như túi nylon vốn khó phân hủy. Mọi người có thể tự mang theo túi vải, giỏ cói khi đi chợ, siêu thị nhưng lưu ý giữ vệ sinh bằng cách thường xuyên giặt sạch để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, vừa đảm bảo sức khỏe vừa an toàn với môi sinh.

Ảnh: Gallant International
Ảnh: Gallant International

Giảm phụ thuộc đồ ăn đóng hộp

Theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe và môi trường, chúng ta nên tiêu thụ thực phẩm tươi mua ở chợ hoặc siêu thị vốn rẻ và lành mạnh hơn so với thức ăn đóng hộp. Giống như hũ nhựa, các chất độc hại từ lon hoặc hộp thiếc có thể ngấm vào thức ăn và gây hại sức khỏe nếu chúng ta dùng các loại thực phẩm này trong thời gian dài.

Tránh dùng đồ nhựa nấu thức ăn trong lò vi sóng

Hộp nhựa và màng bọc thực phẩm rất tiện dụng trong việc đựng, bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, việc để nguyên thực phẩm trong hộp nhựa, màng bọc khi hâm nóng hoặc làm chín thức ăn bằng lò vi sóng có thể ảnh hưởng sức khỏe, do thành phần nhựa có thể bị biến đổi thành chất độc ở nhiệt độ cao. Nếu có sử dụng, cần kiểm tra ký hiệu số trên sản phẩm nhựa trước khi cho vào lò vi sóng, hoặc tốt nhất là nên dùng tô, chén, dĩa thủy tinh hoặc vật liệu an toàn khác.

Tránh sử dụng đồ dùng một lần

Ly, dĩa nhựa dùng một lần và hộp xốp là những sản phẩm thường gặp khi chúng ta mua đồ ăn, thức uống mang đi nhưng chúng được xem là sản phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Đơn cử, dùng ly nhựa có thể gây rối loạn tuyến giáp cùng hàng loạt vấn đề nội tiết tố do nhiệt độ cao có thể giải phóng chất độc hại trong nhựa như BPA và ngấm vào thức uống. Giải pháp tốt nhất là chúng ta nên mang theo ly, bình hay hộp đựng làm bằng sành sứ, thủy tinh hoặc các vật liệu an toàn khác khi mua thực phẩm. Sử dụng các loại chén, dĩa, tô có chứng nhận phân hủy sinh học cũng là lựa chọn tốt.

Ảnh: Live in the Now
Ảnh: Live in the Now

ĐƯỜNG THẤT (Theo Health Site)

Chia sẻ bài viết