03/12/2016 - 16:40

Làm phim xưa kiểu “lỡ thời”!

Gần đây, khi khán giả truyền hình không mặn mà với dòng phim nặng tính bạo lực, tranh giành tình yêu, bối cảnh nhà lầu xe hơi... thì các nhà sản xuất đầu tư mạnh cho phim có bối cảnh đồng quê Nam bộ xưa. Giới làm phim truyền hình quen gọi là dòng phim "hương xưa". Tuy nhiên, sự thiếu am hiểu về văn hóa Nam bộ, cách làm phim hời hợt, "mì ăn liền" khiến người xem cảm nhận "xưa không ra xưa, nay chẳng ra nay", giống kiểu "quá lứa lỡ thời"!

Trong phạm vi bài viết này, xin không phân biệt đề tài (chiến tranh cách mạng, tâm lý xã hội...) mà chỉ khai thác ở khía cạnh bối cảnh Nam bộ xưa trong phim. Đi đầu cho trào lưu này phải kể đến những bộ phim do Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh- TFS sản xuất từ thập niên 1990 như Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô... Và dòng phim hương xưa chính thức phổ biến với những bộ phim chuyển thể tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Đến nay, có hàng chục tiểu thuyết của ông được chuyển thể, tiêu biểu như Con nhà nghèo, Con nhà giàu, Tại tôi, Cay đắng mùi đời, Tân phong nữ sĩ, Ngọn cỏ gió đùa... Gần đây, trào lưu này được Đài Truyền hình Vĩnh Long khá chuộng, phát sóng vào giờ vàng với Ải trần gian, Ải mỹ nhân, Giọt lệ bên sông, Dòng nhớ... và hiện đang phát sóng phim Lời nguyền.

 Cảnh trong phim Ải mỹ nhân- phim với nhiều chi tiết bối cảnh xưa sơ sài, thiếu đầu tư. Ảnh: iHay

Nở rộ là vậy, song nhiều người am hiểu về văn hóa Nam bộ nhận xét rằng, dòng phim này sẽ nhàm chán nếu cứ làm phim thiếu đầu tư như hiện nay. Thử xem qua hàng chục bộ phim đã phát sóng trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Vĩnh Long gần đây, phim nào cũng ông hội đồng, ông địa chủ có năm, bảy bà vợ rồi các bà tranh giành quyền lực, gây sóng gió trong gia đình. Hay những đứa con của các bà vợ hãm hại nhau giành quyền thừa kế... Những mô típ này quen thuộc đến mức xem tập đầu đã biết tập cuối.

Đành rằng, đầu tư bối cảnh, phục trang cho phim hương xưa rất tốn kém và không dễ tìm. Nhưng sự hời hợt trong bối cảnh, đạo cụ khiến người xem khó chịu. Như trong phim Ải mỹ nhân, chành lúa của ông hội đồng chỉ là cái chòi vịt cất trên liếp đất, dựng vách bằng mê bồ tạm bợ. Chành lúa của ông hội đồng thuở xưa lớn đến độ nào hẳn nhiều người đã biết, và chẳng ai làm chành lúa mà 4 hướng đều lé đé mé mương, sạt lở và ẩm thấp như trong phim. Đó là chưa kể nhiều nông dân xem phim không khỏi thắc mắc: Vách mê bồ vào mùa mưa thì làm sao bảo vệ lúa gạo? Hay như cô gái trong phim "Giông tố cuộc đời", lớn lên trong cảnh nghèo khó, thôn quê sông nước mà bị hãm hại té xuống mương nhỏ lại chết đuối. Với bối cảnh mé mương trong phim, mực nước chỉ ngang người thì làm sao lấy đi mạng sống một cô gái quanh năm lặn hụp mò cua bắt ốc.

Xem phim hương xưa mà "tức anh ách" với vô vàn những tình huống vô lý, xuất phát từ việc thiếu am hiểu văn hóa Nam bộ xưa. Cũng trong phim "Giông tố cuộc đời", chàng trai trẻ ra thăm đồng thấy đồng lúa bị rầy ăn, quỵ xuống khóc la thảm thiết. Hẳn đạo diễn phim chưa am hiểu về nông dân Nam bộ. Rầy muốn ăn sạch đám lúa phải có quá trình, không phải chỉ vài giờ đồng hồ. Và trong tình cảnh đó, đoan chắc rằng nông dân thực thụ không ai ngã quỵ, kêu trời trách đất. Hay trong phim Ải mỹ nhân, cháu nội duy nhất của ông hội đồng bị mất tích. Bữa sáng ra mọi người hoảng hốt mấy tiếng rồi thôi, trong khi đứa bé được người đàn ông gần nhà lượm nuôi. Quyền thế ông hội đồng ngày xưa không yếu ớt đến vậy! Cũng trong phim này, ông hội đồng ngồi bàn giữa xét chuyện gia đình, thế là bà vợ lớn, vợ nhỏ, rồi cả nàng dâu lớn, dâu nhỏ ngồi kế bên ông. Làm gì có chuyện "ngang vai đối vế" vậy trong xã hội phong kiến xưa. Hay trong tình huống, con trai trưởng lấy mớ tiền bạc đi đánh bài, thế là ông hội đồng đi tới đâu mượn tiền làm ăn đều bị xua đuổi đến cùng cực. Hội đồng thuở xưa đất ruộng, tài sản lớn cỡ nào mà đạo diễn phim xây dựng tình huống nực cười đến vậy.

Có nhiều phim dễ dãi đến những chi tiết sơ đẳng nhất. Cô Thà trong phim "Dòng nhớ", làm nghề thương hồ mà chèo xuồng bằng cách giơ mái chèo lên rồi... bỏ xuống, nhìn rất phản cảm. Một bà lão gần xóm tôi xem phim bức xúc: "Cái này là vọc nước chớ chèo chống gì!". Chèo là phải "móc", "lái" rất công phu, nhất là với chiếc ghe tam bản lớn, chớ không phải diễn không tới như vậy. Dòng phim Hồ Biểu Chánh có ngôn ngữ vốn đặc trưng, quen thuộc: Nếu là người Tây học thì nhất định sẽ "toa", "moa" trong xưng hô; người lớn tuổi thường xưng "qua". Các từ ngữ đi kèm theo như "đa", "lung lắm đa" xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, trong vài phim, khán giả nhàm chán vì quá lạm dụng ngôn ngữ này, có đoạn lại chêm xen ngôn ngữ hiện đại.

* * *

Suy cho cùng, những thiếu sót của dòng phim "hương xưa" hiện nay là do các nhà biên kịch, đạo diễn, đạo cụ… chưa thực sự chú ý (cũng có thể không để ý) đến yếu tố văn hóa mà mải mê chạy theo tình tiết hấp dẫn, câu khách. Nếu không hài hòa yếu tố điện ảnh và văn hóa, dòng phim "hương xưa" vẫn chưa thể… "xưa" được!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết