04/08/2017 - 09:33

Làm giàu nhờ rau VietGAP

Từ ngày thành lập Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Gò Công đến nay, nhờ đầu ra ổn định, thương hiệu không ngừng lớn mạnh trên thị trường, nhiều nông dân đã ăn nên, làm ra nhờ gắn bó với rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Huỳnh Văn Sánh, ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một điển hình tiêu biểu, góp phần khẳng định thương hiệu rau an toàn trên vùng đất xứ Gò này.

Ông Sánh thu hoạch rau.

Ông Sánh thu hoạch rau.

Ông Huỳnh Văn Sánh kể: Trước đây, gia đình ông gắn bó với việc trồng lúa. Sau đó chuyển qua trồng rau màu, nhưng chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống: “Thích cây gì trồng cây đó, thấy cây nào được giá là trồng ngay”, nên nhiều vụ sản xuất bị mất giá, không cho lợi nhuận cao.

Năm 2006, ông tham gia HTX Rau an toàn Gò Công và bắt đầu sản xuất thử nghiệm rau an toàn trên 1.000m2. Ông tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình trồng rau hiệu quả…

Từ đó, ông nắm bắt được quy trình chăm sóc, nên rau an toàn sản xuất ra chất lượng, năng suất hơn hẳn so với sản xuất theo phương pháp truyền thống, đặc biệt giá cả ổn định, không bị thương lái ép giá.

Với những tín hiệu khả quan từ rau an toàn mang lại, ông tiếp tục chuyển dần diện tích đất còn lại để sản xuất rau theo hướng an toàn.

Đến nay, hơn 4.000m2 đất của gia đình, ông Sánh trồng xoay vòng các loại rau cải khác nhau theo yêu cầu của HTX, như: cải bẹ xanh, cải bẹ ngọt, mồng tơi, rau dền, bầu, bí, khổ qua…

Nhờ đó, hằng năm, sau khi trừ chi phí, việc trồng rau VietGAP mang về cho gia đình ông nguồn thu gần 200 triệu đồng, cao gấp 7 - 8 lần so với cây lúa và cao hơn sản xuất rau theo phương pháp truyền thống.

Ông Sánh chia sẻ: “Không riêng gì gia đình tôi, hầu hết các thành viên của HTX cứ lo ngại việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ gây khó khăn trong khâu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cả năng suất thấp". 

"Thế nhưng, sản xuất rau sạch theo VietGap ngược lại giảm được 20 - 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng rau. Thêm vào đó, giá cả được bao tiêu, không lo đầu ra, lợi nhuận cao và an toàn hơn sản xuất rau theo phương pháp truyền thống”.

Gắn bó rau an toàn đã lâu, ông Sánh tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm.

“Sản xuất rau an toàn, tất cả các khâu phải theo một quy trình nhất định từ nguồn nước tưới, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Không được trồng liên tục nhiều vụ rau trên cùng một diện tích đất, phải luân phiên các loại rau màu khác nhau để cây thích nghi. Nếu tuân thủ đúng các quy trình thì đảm bảo rau an toàn sản xuất ra sẽ cho năng suất cao, đáp ứng đủ điều kiện để HTX thu mua hết”- ông Sánh chia sẻ.

Bài, ảnh: VĂN MINH

Chia sẻ bài viết