03/05/2018 - 22:28

Làm giàu nhờ dệt “chiếu bệnh viện” 

Những cọng lác loại ra sau khi thương lái thu mua dệt chiếu cao cấp được ông Trần Văn Gạo (ngụ ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, Trà Vinh) mang về dệt chiếu bán tại các bệnh viện. Hơn 4 năm trôi qua, chính từ những thứ tưởng chừng phải bỏ đi đang giúp gia đình ông Gạo có cuộc sống sung túc.

Ông Gạo và vợ đang hoàn chỉnh chiếc chiếu để kịp giao cho khách hàng. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Ông Gạo và vợ đang hoàn chỉnh chiếc chiếu để kịp giao cho khách hàng. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Ông Gạo kể trước đây, tuy gia đình ông sống ở vùng trồng lác nổi tiếng của Trà Vinh nhưng do đất ít nên ông phải làm thêm nghề khác kiếm sống. “Lúc đó tôi làm nhiều nghề, rồi tích cóp, mượn thêm tiền bà con mua chiếc xe tải nhỏ để đi chở thuê. Vùng này lác nguyên liệu, rồi các xưởng dệt mọc lên nên việc chở mướn cũng có đồng vô đồng ra nhưng vẫn chưa khá lên được”, ông Gạo nói.

Theo ông Gạo, do gia đình từng theo nghề trồng lác nên ông hiểu nổi cực của bà con nông dân. Trồng cây lác tốn nhiều nhân công nhưng giá cả phụ thuộc vào thương lái nên cuộc sống rất bấp bênh. Đặc biệt, nếu lác thất mùa, cọng ngắn không thể dệt chiếu loại cao cấp, rất khó tiêu thụ. “Nhiều lần thấy bà con sau khi thu hoạch tuyển bán, còn rất nhiều cọng lác ngắn chủ yếu đem bỏ đi nên tôi thấy tiếc. Phải nghĩ ra cái gì đó nhằm tận dụng triệt để công năng của cây lác, nâng cao đời sống bà con cũng như gia đình”, ông Gạo tâm sự.

Từ suy nghĩ đó, ông Gạo bắt đầu tìm hiểu những sản phẩm của cây lác, từ cách se sợi đến dệt chiếu, nhưng những sản phẩm này đã có từ rất lâu, thị trường tiêu thụ gần như bão hòa. Thêm vào đó, những loại chiếu cao cấp giá cao lại sử dụng lâu nên ông không thể theo bà con làm chiếu dạng này. “Một lần thăm bà con ở bệnh viện, tôi thấy nhu cầu chiếu ở đó rất cao, kích cỡ nhỏ phù hợp với nguồn nguyên liệu thải loại tại địa phương, một chiếc sử dụng vài ngày đã bỏ khiến vòng quay sản phẩm rất nhanh nên tôi nảy sinh ý tưởng dệt chiếu bán cho bệnh viện”, ông Gạo nói.

Sau đó, ông Gạo bắt đầu đi gom lác dạt của bà con rồi mua sắm máy dệt ra những sản phẩm đầu tiên. Khi có thành phẩm, ông phơi khô, may bìa và đóng gói, tuy nhiên với ông lúc này cái khó chính là tìm đường tiêu thụ. Ông Gạo bắt đầu lân la đến những khu vực ven, cũng như vào các căng tin bệnh viện để tiếp thị chào hàng. Những sản phẩm đầu tiên được gửi bán có người mua giúp ông thêm phấn khởi với quyết định làm giàu của mình. Theo ông Gạo, do ông làm sau nên phải tính toán cho ra sản phẩm đẹp, giá cả phải chăng mới dễ tiêu thụ. Trước đây, ông may bìa chiếu chủ yếu bằng vải nên giá thành cao, trong khi vòng đời loại chiếu này ngắn nên ông tìm hiểu và quyết định chọn loại giấy tự hủy may bìa nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Cứ thế làm ăn ngày càng phát triển, sau 4 năm theo nghề dệt “chiếu bệnh viện”, ông Gạo tiếp tục đầu tư thêm 17 máy dệt đưa xuống cho bà con nông dân theo dạng trả trước 50%, số còn lại bà con trả dần không tính lãi. Sản phẩm làm ra được ông thu mua lại hết với giá 11.500 đồng/chiếc, sau đó may bìa, phơi khô, đóng gói giao cho khách hàng. Với giá lác nguyên liệu thải loại chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, những lao động được ông đầu tư máy dệt có thể kiếm hơn 100.000 đồng/ngày. Bây giờ, mỗi tháng ông Gạo cung cấp cho các bệnh viên, trung tâm y tế khoảng 9.000 chiếc chiếu với các kích cỡ 1,8 x 0,9m; 1,8 x 0,8m; 1,8 x 1,2m, giá bán từ 16.000 – 17.000 đồng/chiếc. Số lượng chiếu làm ra tùy theo lượng người đặt hàng nhưng chủ yếu đưa vào các bệnh viện.

Những chiếc “chiếu bệnh viện” ở Đức Mỹ của ông Gạo giờ xuất hiện ở hầu hết các bệnh viện tại ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Việc “sống được” với nghề dệt “chiếu bệnh viện” cho thấy ông Gạo rất nhạy bén trong nắm bắt thời cơ để làm giàu đồng thời giúp sử dụng triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Ông Mai Thanh Tú, cán bộ nông nghiệp xã Đức Mỹ, cho biết: “Ông Gạo là tấm gương về sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để làm giàu. Nhờ có ông mà nguyên liệu dạt tưởng phải bỏ đi nay tạo ra giá trị và giúp hàng chục lao động địa phương có thêm việc làm”.

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết