28/07/2010 - 22:27

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Làm gì để tăng thu nhập cho nông dân ?

Nông dân cần được tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo để tăng thu nhập.

Tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo, để nông dân tham gia xuyên suốt vào chuỗi giá trị lúa gạo… là giải pháp nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Đó là một trong những nội dung chính được đặt ra tại Hội thảo “Chuỗi giá trị lúa gạo nhìn từ công nghệ sau thu hoạch” (trong chương trình xúc tiến thương mại trong nước của Bộ Công thương) diễn ra mới đây tại Đồng Tháp.

TẠO SẢN PHẨM GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn... đe dọa đến nền nông nghiệp ĐBSCL. Diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân, giảm kim ngạch xuất khẩu về lúa gạo. Hiện nay, giá gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu luôn thấp hơn so với gạo Thái Lan. Sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Ngay cả vụ hè thu này, nông dân bán sản phẩm của mình với giá phá huề nhưng rất khó tiêu thụ. Khi Chính phủ chỉ đạo mua gạo dự trữ để tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân, giá lúa hè thu trên thị trường vẫn còn thấp.

Vì vậy, việc sản xuất đa sản phẩm từ lúa gạo và tận dụng tất cả phế phẩm từ lúa gạo tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng... cần thiết phải làm ngay từ bây giờ. Người dân xứ dừa Bến Tre đã rất năng động trong việc tạo ra giá trị gia tăng từ dừa. Hàng loạt các sản phẩm mới ra đời, sử dụng và tái sử dụng tất cả các phế phẩm từ dừa. Hàng thủ công mỹ nghệ của dừa xuất hiện khắp nơi. Kẹo dừa Bến Tre nổi tiếng thế giới sau vụ kiện giành lại thương hiệu của Bà Hai Tỏ. Se chỉ xơ dừa ở Bến Tre trở thành nghề kiếm ra nhiều tiền được ứng dụng tại nhiều nơi ở ĐBSCL. Riêng cây lúa, việc tận dụng lúa gạo và phế phẩm để tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng còn rất tiềm năng. Cùng với việc phát triển cây lúa nước ở ĐBSCL, các sản phẩm làm từ gạo trở thành đặc sản của vùng. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương có các sản phẩm nổi tiếng với các nghề sản xuất lâu đời các mặt hàng: bột gạo, bột nếp, bánh phồng tôm, sợi hủ tiếu. Nông dân đồng bằng tận dụng rơm sau mỗi vụ thu hoạch lúa để làm nấm, ủ gốc các loại cây trồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, nông dân ĐBSCL “nghèo mà xài sang” khi bỏ phí một lượng trấu khổng lồ sau khi xay lấy gạo và đốt bỏ rơm trên đồng ruộng. Phát triển năng lượng nông nghiệp, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm mới xây dựng nền nông nghiệp sạch, không chất thải là lời khuyên của các chuyên gia nhằm tạo nên nông nghiệp thân thiện với môi trường. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết: “Trấu chiếm 21-22% trọng lượng lúa. Nhiệt trị trấu khoảng 3.250Kcalo/kg trấu. Nếu xây dựng một nhà máy điện trấu, chỉ cần vùng nguyên liệu khoảng 100.000-120.000 tấn lúa là đủ có lượng trấu làm nhiên liệu đốt sản xuất điện cho sinh hoạt và phục vụ máy sấy lúa cho sản lượng lúa. Tro chiếm 18,22% trọng lượng trấu. Trong tro trấu, Si02 chiếm 87% trở lên là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp sản xuất Silica...”. Tại ĐBSCL, có nhiều vùng nguyên liệu quy mô 300.000-400.000 tấn, rất lý tưởng để thực hiện các dự án nhà máy xay xát, sấy lúa, phát điện từ trấu. Hiện nay, đã có nhiều công ty được lãnh đạo các tỉnh An Giang, Kiên Giang chủ trương cho phép đầu tư nhà máy đốt trấu tạo nhiệt để phát điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chế biến. Tại Cần Thơ, Công ty TNHH công nghệ nồi hơi Phú Hưng đã đưa ra công nghệ nồi hơi đốt trấu phục vụ chế biến thủy sản...

Ngoài ra, rơm rạ có thể dùng làm nhiên liệu sinh học. TS Võ Công Thành, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “4kg rơm có thể tạo được 1kg ethanol, pha được 20 lít xăng hóa thạch. Ở Nhật, việc chế biến ethanol từ rơm rạ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bổ sung vào nguồn khoáng sản khai thác từ các mỏ dầu. Rơm và các nguồn hữu cơ phát sinh từ trồng trọt và chăn nuôi là một nguồn sinh khối lớn, được sử dụng làm biogas. Năm 2006, dự án hỗ trợ chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi (biogas) của Việt Nam đã đoạt được giải thưởng năng lượng toàn cầu. Lễ trao giải thưởng này vừa được tổ chức ngày 12-4-2010, tại Brussels (Bỉ). Dự án này nằm trong số những dự án tiêu biểu nhất được bình chọn từ 700 dự án của các quốc gia trên thế giới.

CÔNG NGHỆ VÀ THƯƠNG HIỆU

Đã đến lúc cần thiết phải xây dựng thương hiệu lúa gạo, sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn GAP và HACCP, thân thiện với môi trường; đưa nông dân tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo từ sản xuất đến tiêu thụ.

Sản lượng lúa cao, tỷ trọng xuất khẩu lớn nhưng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát và đánh giá của Viện lúa Quốc tế (IRRI), thất thoát sau thu hoạch ở các nước Đông Nam Á chiếm từ 15-20% khối lượng, 10 – 30% giá trị. Tại Việt Nam, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch khoảng 12%. Tỷ lệ này hiện đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức cao. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa ứng dụng tốt các công nghệ sau thu hoạch, nhất là khâu phơi sấy. Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia tư vấn Công ty nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho biết: “Thu hoạch đúng thời điểm, xử lý khô ngay trong vào 8 giờ, đảm bảo độ ẩm 15%, gạo Việt Nam sẽ cho chất lượng tốt, tỷ lệ gãy thấp, giá trị cao. Tuy nhiên, nông dân thường không làm tốt khâu này dẫn đến tình trạng gạo bị giảm phẩm chất, giá trị. Khâu bảo quản còn rất thô sơ trong dân cũng là nguyên nhân làm giảm chất lượng gạo. Trong khi đó, kho chứa lúa ngay tại vựa lúa ĐBSCL lại thiếu. Xây dựng kho chứa lúa nếu làm tốt có thể huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân...”. Đồng thời, ông Hà cũng nhắc đến mô hình Công ty cổ phần Tam Nông có sự tham gia cổ phần của nông dân. Ở đó, nông dân có thể góp đất, tài sản tham gia cổ phần và trực tiếp sản xuất. Doanh nghiệp trực tiếp chế biến và tìm thị trường đi đôi với việc nối kết nhà khoa học để nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân. Nông dân được hưởng xuyên suốt chuỗi giá trị, khắc phục được tình trạng rủi ro cao như hiện nay. Ông Hà nhấn mạnh: “Là người trực tiếp tạo nên an ninh lương thực cho quốc gia, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nông dân là người chịu nhiều rủi ro khi thị trường biến động, thời tiết khắc nghiệt mà ít nhận được sự chia sẻ nào. Tổ chức lại sản xuất là trách nhiệm của Chính phủ, có chính sách đối với doanh nghiệp và nối doanh nghiệp-nông dân vào chuỗi giá trị”.

Năm 2011, lộ trình tham gia hội nhập WTO sẽ sâu rộng hơn, sản xuất nhỏ lẻ của nông dân khó tồn tại. Để nông dân “tự bơi”-tự sản xuất như hiện nay khác nào đẩy chiếc xuồng ba lá ra biển lớn. Vì vậy, việc liên kết quy mô sản xuất lớn, phát triển ngành công nghiệp lúa gạo và gắn sản xuất với tiêu thụ là việc làm cần thiết để phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam, thực hiện sứ mệnh an ninh lương thực Quốc gia và thế giới.

Nông nghiệp được tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, cơ giới hóa, hiện đại hóa hệ thống canh tác theo chuẩn GAP. Đồng thời, phải chế biến nông sản theo công nghệ hiện đại, theo chuẩn HACCP và tổ chức kinh doanh đủ sức cạnh tranh trên thị trường có kỹ năng và chuyên nghiệp hóa. Theo Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, chuyên gia tư vấn Hợp tác quốc tế-nguyên giảng viên Trường đại học Nông Lâm TPHCM, cơ giới hóa được thực hiện từ khâu làm đất, canh tác, thu hoạch và làm khô lúa, giảm lao động thủ công, tăng năng suất và hiệu quả lao động nông nghiệp. Tăng số CV/ha theo chuẩn của các nước nông nghiệp trong khu vực. Mức độ trang bị hiện nay vào khoảng 1.16CV/ha cần nâng lên mức 4-6CV/ha. Đó là giải pháp cơ bản làm thẳng lưng người phụ nữ nông dân, làm cho bà con nông dân lao động trong khu vực nông nghiệp đỡ vất vả và hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng tia laser mới được áp dụng ở Việt Nam với số lượng ít nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, ứng dụng công nghệ này giúp giảm chi phí đầu tư về bơm tưới, phân bón và tăng sản lượng quy đổi ra tiền khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/ha. Chi phí san bằng mặt ruộng bằng công nghệ này 4-9 triệu đồng/ha, tức là trong 2 năm vụ sẽ bù lại chi phí trong khi 7-8 năm mới phải cải tạo lại mặt bằng đồng ruộng.

Từ những ứng dụng công nghệ, sản xuất và chế biến thân thiện với môi trường mới có thể xây dựng được thương hiệu thuyết phục người tiêu dùng theo phương châm “hàng hóa ngon lành, hành vi tử tế”.

Bài, ảnh: Thành Nguyễn

Chia sẻ bài viết