26/09/2009 - 09:32

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? (Tiếp theo)

Bài 2: Hàng may mặc chiếm lĩnh thị trường, khẳng định thương hiệu Việt

Nỗ lực nâng cao kiểu dáng, chất lượng, hàng may mặc Việt Nam ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng (NTD) trong nước. Các thương hiệu may mặc Việt đa dạng về chủng loại, mẫu mã đã đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu của mọi đối tượng NTD từ các sản phẩm phổ thông đến hàng cao cấp…

Hàng may mặc trong nước ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Trong ảnh: Khách chọn mua hàng may mặc tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ.

NÂNG CHẤT HÀNG MAY MẶC

Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các công ty dệt may, hầu hết chỉ chú trọng vào thị trường xuất khẩu mà đã bỏ ngỏ thị trường nội địa, một thị trường khá lớn và đầy tiềm năng. Từ đó, hàng nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc đã có thời gian khá dài chiếm lĩnh phần lớn thị phần từ các sản phẩm chất lượng cao đến những loại hàng phổ thông.

Tuy nhiên, cho đến khi NTD bị “cú sốc” về chất lượng (vào thời điểm cuối tháng 5 vừa qua) trước những thông tin gần một nửa mặt hàng quần áo và một phần ba số đồ dùng cho trẻ em xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc, có chứa hoạt chất có thể gây hại đến sức khỏe thì NTD trong nước mới thực sự để ý nhiều hơn đến hàng may mặc của Việt Nam và cho đến nay các thương hiệu Việt như: Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, Sifa... dần quen thuộc hơn với người tiêu dùng.

Với nhiều NTD việc dùng hàng may mặc Việt Nam hiện nay đang được xếp vào dạng “ưu tiên”, bởi theo họ thì không chỉ hàng Việt ngày càng đẹp mà khi sử dụng rất an tâm đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hàng may mặc Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm yếu như kém sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm không đồng đều...

Cô Văn Thị Ngọc Hoàng, một khách hàng ở phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Khi mua hàng tôi thường chọn sản phẩm hợp với sở thích, nhu cầu của mình trước, sau đó là giá cả. Nếu hai sản phẩm trong nước và nhập khẩu tương đồng về mẫu mã và giá cả, tôi sẽ chọn mua hàng Việt Nam. Tôi phân hàng Việt ra làm 2 loại, đó là hàng chợ (không rõ nguồn gốc xuất xứ) và hàng cao cấp (người tiêu dùng hay gọi là hàng xuất khẩu). Đặc biệt, tôi rất thích hàng cao cấp của Việt Nam, không chỉ đẹp về mẫu mã, mà chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, không thua kém những sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, những điểm yếu còn tồn tại ở hàng Việt là ít và chậm thay đổi mẫu mã, thiếu sáng tạo, thường hay nhái kiểu dáng hàng ngoại, chưa có phong cách riêng, phù hợp với bản sắc Việt”.

Là một đơn vị phân phối cho hàng may mặc trong nước, Vinatex-Mart đã tiếp cận, quảng bá sản phẩm đến NTD bằng nhiều cách, như tổ chức các cuộc thi mặc đẹp dành cho các đối tượng... Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Siêu thị Vinatex Cần Thơ, cho biết: “Sắp tới Vinatex-Mart sẽ có một chiến dịch quảng bá ấn tượng bằng cách trang trí hệ thống siêu thị, cửa hàng và tổ chức các cuộc thi mặc đẹp dành cho các đối tượng. Bên cạnh đó, Vinatex-Mart cũng cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách tìm các nhà cung cấp có uy tín, bên cạnh việc xây dựng riêng cho mình một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp”.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hàng may mặc Việt ngày càng được NTD ủng hộ không chỉ tập trung quảng cáo qua các đợt khuyến mãi, các nhà sản xuất cần phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, cần ưu tiên chú trọng chất lượng sản phẩm cũng như tổ chức các loại hình dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi là điều rất cần thiết.

LẤY THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA LÀM “ĐÒN BẨY”

Chị Nguyễn Thị Hoài Anh, ở phường An Bình, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi không bài trừ toàn bộ hàng nhập khẩu, kể cả hàng Trung Quốc, bởi các sản phẩm đó nhiều loại có chất lượng tốt. Nhưng hiện nay hàng may mặc trong nước cũng đẹp và hợp thời trang, giá cả phù hợp và sử dụng lại yên tâm thì không có lý do gì và không dùng hàng Việt”.

Bây giờ NTD đã dần quen với hàng may mặc của Công ty may xuất khẩu Tây Đô, đặc biệt là NTD vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay, thị trường nội địa của công ty này chiếm 30% trên tổng doanh số, thương hiệu may Tây Đô đã có chỗ đứng trong lòng NTD và công ty đang xây dựng hệ thống bán lẻ với 3 cửa hàng, 9 địa lý tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, có mặt trong các hệ thống bán lẻ như siêu thị Co.opMart, Vinatex - Mart. Ông Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh nội địa, Công ty may xuất khẩu Tây Đô, cho biết: “Hơn 10 năm nay, may Tây Đô đã đưa ra mục tiêu phát triển cho thị trường nội địa và hiện nay, thương hiệu may Tây Đô đã được người tiêu dùng đón nhận. Với kế hoạch phát triển, trong năm 2010 tới và những năm tiếp theo sẽ nâng tỷ lệ hàng nội địa lên 40% doanh số. Song song đó, sẽ xây dựng 1 trung tâm thời trang tại TP Cần Thơ và phát triển thêm một số đại lý ở các tỉnh ĐBSCL”.

Kênh phân phối của hệ thống Sài gòn Co.op đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển của các thương hiệu Việt, trong đó có hàng may mặc. Từ nhiều năm nay, tại hệ thống này đều tổ chức các chương trình kích cầu dùng hàng Việt rất có hiệu quả. Đối với hàng may mặc, nhiều thương hiệu Việt nhờ hệ thống phân phối này đã đến được với NTD. Theo bà Vũ Thị Huyền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Cần Thơ: “Hiện nay, hàng may mặc Việt Nam chiếm trên 70% tại siêu thị. Nhiều mẫu hàng nhập khẩu nay cũng dần được thay thế bằng các sản phẩm tương đương sản xuất trong nước. Ngoài việc phát triển nhãn hàng riêng, hệ thống Co.opMart luôn tìm những nhà cung cấp trong nước tốt nhất để sản phẩm ngày càng đẹp và chất lượng. Không những thế, siêu thị cũng kích cầu bằng cách lấy phần giảm của thuế xuất đầu vào (giảm 5%) để giảm giá thành sản phẩm”.

Tính đến nay đã hơn 7 năm hoạt động, hệ thống Trung tâm thương mại Vinatex - Mart của tập đoàn dệt may Việt Nam đã xây dựng được 54 điểm bán hàng trải rộng trên 22 tỉnh, thành cả nước với chủ lực là hàng dệt may trong nước. Nhằm góp phần thay đổi cách nhìn về hàng Việt và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Vinatex - Mart đã xây dựng sân chơi bằng những hội thi mặc đẹp dành cho các đối tượng như thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ...

Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Siêu thị Vinatex Cần Thơ cho biết thêm: “Người Việt Nam ngày càng ưa chuộng hàng may mặc Việt, điều đó được minh chứng bằng tốc độ tăng trưởng tại Vinatex - Mart Cần Thơ là 35%. Thông qua các hoạt động kích cầu, doanh số bán hàng tại đây đã tăng 20%. Hiện nay, chúng tôi luôn cố gắng tạo mới cho khách hàng, không chỉ bằng các sản phẩm giá trị mà còn là sự thay đổi mẫu mã”.

Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ngoài ý thức tiêu dùng của người dân thì việc cải thiện về cung cách làm ăn từ các nhà sản xuất cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp của Chính phủ cũng rất quan trọng. Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì vậy thị trường nội địa cũng là thị trường quốc tế, mình bán hàng hóa ra nước ngoài thì nước ngoài cũng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường mình, tất nhiên NTD sẽ có nhiều lựa chọn. Trên thực tế, nhiều năm nay hàng may mặc Việt Nam đã có nhiều lợi thế trên thị trường thế giới nhưng vẫn chưa thật sự được đa số người tiêu dùng trong nước tin dùng. Vì vậy, muốn phát triển tại thị trường nội địa thì các nhà sản xuất trong nước phải chú ý hơn đến thị hiếu, nhu cầu của NTD cũng như khắc phục những điểm yếu trong bộ máy như việc xây dựng chiến lược phải dài hạn, có sự liên kết đồng bộ, quản lý tốt về tầm nhìn cũng như các chính sách hậu mãi; chú trọng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên... Bên cạnh đó, các chính sách, cơ chế dài hơi của Chính phủ cũng như các chương trình xúc tiến thương mại là rất quan trọng để các doanh nghiệp dệt may có nhiều cơ hội và dễ tiếp cận hơn với thị trường nội địa”...

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Hàng may mặc trong nước ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách chọn mua hàng may mặc t

Chia sẻ bài viết