17/05/2013 - 09:25

Làm gì để nâng cao chất lượng cán bộ đoàn cơ sở ?

Nhờ ổn định về kinh tế nên anh Vĩnh rất an tâm tham gia công tác Đoàn tại địa phương.

Theo nhiều lãnh đạo quận, huyện Đoàn: công tác đào tạo cán bộ Đoàn hiện nay về cơ bản đã đáp ứng theo yêu cầu về trình độ cũng như sự năng động, sáng tạo, xung kích tham gia xây dựng quê hương, vươn lên làm giàu ổn định cuộc sống... Tuy nhiên, trong thực tế công tác, từng lúc, từng nơi vẫn còn một bộ phận cán bộ Đoàn làm việc cầm chừng, chưa phát huy hết hiệu quả cũng như chưa khơi dậy phong trào. Nguyên nhân do đâu?

* Trình độ cán bộ Đoàn được nâng lên

Khi chúng tôi đến nhà, anh Phạm Văn Vĩnh, Bí thư Chi đoàn khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ (quận Cái Răng) đang chăm sóc vườn nhãn. Theo anh Vĩnh, nếu thuận lợi, khoảng 4 tháng nữa anh sẽ có thu nhập từ 60-70 triệu đồng từ vườn nhãn có diện tích 5.000m2.

Anh Vĩnh cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh ở nhà giúp gia đình chăm sóc 13 công vườn, hoa màu. 4 năm trước, anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn khu vực. Có trình độ, làm kinh tế giỏi, lại chịu khó học tập nâng cao kỹ năng công tác Đoàn, nên hiện nay anh đã tạo được uy tín trong đoàn viên thanh niên. Theo anh Bùi Thanh Bạc, Bí thư Đoàn phường Phú Thứ, không riêng anh Vĩnh, những năm qua chất lượng cán bộ Đoàn ở các khu vực đều được nâng lên. Hiện nay, cán bộ Đoàn tối thiểu đều có trình độ học vấn lớp 12.

Đánh giá về chất lượng nguồn cán bộ Đoàn ở khu vực, anh Lê Văn Hoàng, Phó Bí thư Quận đoàn Cái Răng, cho biết: Trên 80% bí thư chi đoàn khu vực đã tốt nghiệp THPT, 20% bí thư chi đoàn đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học, cao đẳng. Nhìn chung, đa phần cán bộ Đoàn ở các khu vực trên địa bàn quận luôn nhiệt tình, quan tâm nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của thanh niên, thể hiện tốt vai trò là cầu nối, tập hợp thanh niên vào tổ chức. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn cán bộ Đoàn, hàng năm, Quận đoàn đều tổ chức tập huấn cán bộ Đoàn cơ sở. Qua đó, bên cạnh việc nâng cao  kiến thức, kỹ năng công tác xây dựng tổ chức Đoàn, công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, các cán bộ Đoàn còn được hướng dẫn cách thức thành lập các tổ hợp tác kinh tế, cách tiếp nhận các dự án vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội...

Còn theo anh Nguyễn Hữu Nghị, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền, Ban Thường vụ (BTV) Huyện đoàn luôn quan tâm củng cố bộ máy tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Hàng năm, Huyện đoàn đều cử cán bộ Đoàn chủ chốt ở cơ sở tham gia các lớp tập huấn do Thành Đoàn tổ chức. Ngoài ra, BTV Huyện đoàn cũng tổ chức tập huấn cho hơn 100 cán bộ Đoàn của các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, Huyện đoàn phối hợp với các cấp ủy Đảng tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn tham gia nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Anh Nghị cho biết: “Hiện tại, 100% bí thư xã Đoàn có trình độ đại học và đang học đại học; 80% có trình độ trung cấp chính trị. Bí thư chi đoàn ấp có trình độ từ lớp 10 đến trung cấp…”.

* Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo anh Phạm Văn Vĩnh, Bí thư Chi đoàn khu vực Khánh Hưng, hiện nay, tiền hỗ trợ cho chức vụ Bí thư Chi đoàn khu vực của anh là 337.000 đồng/tháng. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với chi phí thực tế. Anh Vĩnh nói: “Nhiều khi muốn tập hợp ĐVTN qua các phong trào như chơi bóng chuyền, bóng đá…cũng gặp khó vì thiếu kinh phí. Tôi có cơ sở làm ăn còn vất vả chứ những anh em làm thuê, thu nhập bấp bênh thì lấy đâu ra tiền để chi cho các hoạt động”.

Anh Bùi Thanh Bạc, Bí thư Đoàn phường Phú Thứ thì cho rằng: phường Phú Thứ có 14 Chi đoàn khu vực nhưng chỉ khoảng 10 chi đoàn hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động cầm chừng. “Năm qua, chúng tôi đã thay 4 bí thư chi đoàn khu vực”- anh Bạc nói. Theo anh Bạc, hiện nay, công tác Đoàn của địa phương gặp khó khăn khi có 60 % cán bộ Đoàn khu vực chủ yếu sống bằng việc làm thuê, thu nhập thất thường. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ Đoàn “nghỉ ngang” sau khi được bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng công tác Đoàn làm cho việc tổ chức phong trào, tập hợp thanh niên gặp khó. Thêm vào đó, việc quy định vay vốn hiện nay khiến nhiều cán bộ Đoàn không thể phát triển sản xuất, dẫn đến không an tâm làm công tác Đoàn mỗi khi gặp khó khăn về kinh tế.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, anh Lê Văn Hoàng, Phó Bí thư Quận đoàn Cái Răng, còn đưa ra những nguyên nhân chủ quan cũng khiến công tác Đoàn cũng như chất lượng nguồn cán bộ Đoàn chưa cao. Đó là một bộ phận cán bộ Đoàn giờ giấc làm việc chưa nghiêm, tác phong làm việc chưa khoa học. Vẫn còn tình trạng cán bộ Đoàn dần mất tinh thần lăn xả, thiếu sự quyết đoán, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Anh Hoàng nói: “Để làm một thủ lĩnh Đoàn giỏi thì bản thân mỗi cán bộ Đoàn phải vượt trội hơn thanh niên nhiều mặt, cả về trình độ, năng lực, kiến thức và khả năng xây dựng hình ảnh bản thân để thanh niên noi gương. Cán bộ Đoàn hiện nay phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chứ không phải chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh”.  Anh Nguyễn Hữu Nghị thì cho rằng: cán bộ Đoàn muốn tạo được uy tín với mọi người phải thật sự gương mẫu, tận tụy, hòa đồng... Trong đó, yếu tố về kinh tế là rất quan trọng. Bởi cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi thanh niên mới thấy và noi theo được. Vấn đề này hiện nay vẫn còn rất khó với nhiều địa phương.

Chị Nguyễn Thị Ánh Diệu, quyền Trưởng Ban Tổ chức Thành đoàn, cho biết: Năm qua, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ Đoàn cơ sở. Có thể nói, khó khăn về kỹ năng trong công tác Đoàn có thể dần dần tháo gỡ. Tuy nhiên, hỗ trợ về vốn cho cán bộ Đoàn cũng như thanh niên làm kinh tế còn gặp khó khăn khi gia đình cán bộ Đoàn, thanh niên đã có người thân vay vốn từ Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ… Chị Diệu cho biết: “Trong tháng 5-2013, Thành đoàn sẽ tổ chức Đoàn khảo sát 85 xã, phường, thị trấn để nắm lại số liệu về công tác tổ chức cũng như những  khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cơ sở. Từ đó làm cơ sở để BTV Thành đoàn có những kế hoạch trong việc đẩy mạnh phong trào Đoàn ở cơ sở cũng như nâng cao chất lượng nguồn cán bộ Đoàn về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu của phong trào Đoàn hiện nay”.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

 

Chia sẻ bài viết