17/12/2008 - 09:17

Làm gì để Đề án Đào tạo nghề phát huy hiệu quả?

Học nghề đan thảm lục bình ngắn hạn miễn phí ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.
Ảnh: PHƯƠNG MAI

Đến nay, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ TP Cần Thơ” (gọi tắt là Đề án Đào tạo nghề - ĐTN) giai đoạn 2006-2010 đã triển khai nửa chặng đường, nhưng riêng năm 2008, mới đạt trên 73% kế hoạch. Sau đây là ý kiến của lãnh đạo các đơn vị, ngành chức năng thành phố tập trung vào vấn đề: Làm thế nào để Đề án đáp ứng tốt hơn nhu cầu học nghề, tạo việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề những năm tiếp theo.

* Ông Lê Văn Diện, Trưởng phòng Quản lý - ĐTN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ:
CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẦN BỐ TRÍ NGÂN SÁCH THỎA ĐÁNG CHO CÔNG TÁC ĐTN

- Năm 2008, các quận, huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung nguồn lực triển khai nhanh Đề án ĐTN, nhưng vẫn không đạt kế hoạch và chất lượng ĐTN chưa cao. Nguyên nhân do Đề án triển khai chậm, các địa phương bị động trong việc huy động học viên học nghề, các trường nghề đều không tham gia dạy nghề trong Đề án như đã đăng ký lúc đầu. Đồng thời, mạng lưới ĐTN của thành phố chưa được củng cố và phát triển, đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Sắp tới, thành phố tập trung đào tạo trung cấp và cao đẳng nghề, đào tạo sơ cấp nghề để phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động; xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề, đẩy mạnh bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Các địa phương cần tập trung bố trí ngân sách thỏa đáng cho công tác ĐTN, trong đó có đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng nguồn nhân lực, triển khai nhanh kế hoạch xây dựng các trung tâm dạy nghề cấp quận, huyện. Các trường nghề cần nhiệt tình tham gia các Đề án ĐTN, đào tạo nguồn nhân lực của thành phố.

* Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ điện và Phát triển Nông nghiệp Nam bộ (nay là Trường Cao đẳng và Nông nghiệp Nam Bộ):
KHẢO SÁT CHÍNH XÁC NHU CẦU HỌC NGHỀ VÀ CÓ VIỆC LÀM SAU ĐTN

Theo chúng tôi, việc kéo dài thời gian đào tạo để giúp học viên vững tay nghề là cần thiết nhưng phải đồng thời tăng kinh phí đào tạo. Tùy theo từng nghề mà qui định thời gian đào tạo sẽ hợp lý hơn, tránh lãng phí thời gian và kinh phí đào tạo nhưng đạt hiệu quả. Đối với một số nghề phức tạp mới cần thời gian dài để trang bị đủ kiến thức cho học viên; còn các nghề đơn giản chỉ cần học nửa tháng, người lao động đã ứng dụng được. Điều quan trọng là lao động có nhu cầu học nghề, tinh thần, thái độ học nghiêm túc; khả năng và phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức của giáo viên như thế nào?

Ngành chức năng và các địa phương cần khảo sát chính xác thực tế nhu cầu học nghề và việc làm sau ĐTN của lao động. Đây là cơ sở giúp thành phố hoạch định kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực sát hợp cho những năm tiếp theo.

* Ông Đào Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ:
NÊN TẬP TRUNG ĐÀO TẠO TRUNG CẤP NGHỀ

- Năm 2008, Đề án ĐTN triển khai chậm, huyện phải chủ động trong việc phân bổ lớp đến các xã, thị trấn kịp tiến độ kế hoạch. Người lao động chưa thích ứng với hình thức đào tạo sơ cấp nghề, chỉ muốn được học nghề ngắn hạn nên khó huy động lao động học nghề. Việc triển khai các lớp dạy nghề ở các khu dân cư vượt lũ cũng gặp khó do hầu hết lao động hạn chế trình độ học vấn và nhận thức, thường rời nhà đi làm xa, không có nhu cầu học nghề... Bên cạnh đó, đa số học viên các lớp ĐTN ngắn hạn khi xin việc đều không được doanh nghiệp tuyển dụng.

Sắp tới, Đề án ĐTN cần được triển khai từ đầu năm để các quận, huyện chủ động lên kế hoạch tổ chức lớp với các xã, phường; tập trung đào tạo trung cấp nghề để người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn và tay nghề vững vàng; có kế hoạch mời gọi, thu hút các trường nghề tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng lao động. Thêm vào đó, các địa phương rất cần sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp trong ĐTN và giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.

* Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ:
CẦN CHỌN LAO ĐỘNG THẬT SỰ CÓ NHU CẦU HỌC NGHỀ, TẠO VIỆC LÀM

- Có thể nói, Đề án ĐTN đã góp phần dấy lên không khí học nghề, tạo việc làm, giảm bớt thời gian nhàn rỗi cho lao động ngoại thành. Các năm trước, học viên học tập tích cực, nghiêm túc, các địa phương cũng tham gia quản lý, đôn đốc học viên tốt hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, Đề án không còn thu hút người lao động đăng ký học nghề, do chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc được học nghề, nâng cao tay nghề.

Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, ngành, đoàn thể chức năng các địa phương cần tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, chỉ chọn những lao động thật sự muốn học nghề, có việc làm, trước khi đăng ký kế hoạch mở lớp với ngành chức năng; tuyên truyền, giáo dục để chấn chỉnh thái độ, động cơ học nghề của người lao động, sự cần thiết học nghề để nâng cao tay nghề, tìm việc làm ổn định. Nếu thuận tiện, nên nghiên cứu tổ chức mô hình ĐTN dài hạn theo hình thức cụm liên phường, xã, thay vì mở nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn nhưng không đạt hiệu quả.

* Ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ:
DẠY CÁC NGHỀ XÃ HỘI VÀ DOANH NGHIỆP CẦN

- Đề án ĐTN đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động ngoại thành được học nghề miễn phí, phù hợp với khả năng và tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định, từng bước nâng dần ý thức tự trang bị nghề nghiệp và việc làm cho bản thân. Tuy nhiên, do lao động có trình độ học vấn, nhận thức thấp, ngán ngại học nghề; học nghề xong không muốn đi làm xa nhà; một số ngành nghề có tạo được việc làm nhưng thu nhập thấp, đầu ra sản phẩm không ổn định nên không ham thích học nghề nữa.

Theo tôi, danh mục nghề đào tạo chưa thật sát tình hình lao động ngoại thành. Theo thống kê của xã, số người học nghề xong và làm đúng nghề chỉ khoảng 15%; lao động sau ĐTN đi thử việc tại công ty, xí nghiệp thường không đạt yêu cầu, nghề truyền thống, thủ công thì sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập bấp bênh.

Thời gian tới, Đề án nên chọn lọc dạy những nghề xã hội và doanh nghiệp đang cần theo 2 hình thức sơ cấp và trung cấp nghề, đảm bảo chất lượng đào tạo và tạo việc làm cho lao động. Đồng thời, thành phố nghiên cứu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các Trung tâm học tập cộng đồng ở xã để phục vụ công tác ĐTN tốt hơn.

ANH PHƯƠNG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết