07/06/2015 - 09:58

Lạm dụng trẻ em khiến châu Á tổn thất hàng trăm tỉ USD

Theo nghiên cứu mới công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tình trạng lạm dụng và bỏ bê trẻ em đang khiến các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thiệt hại 209 tỉ USD mỗi năm, tương đương 2% GDP của toàn khu vực.

Trong nghiên cứu đầu tiên về tác động kinh tế của tình trạng lạm dụng trẻ em tại khu vực, nhóm chuyên gia quốc tế của UNICEF đã tập hợp dữ liệu từ 364 nghiên cứu trước đây về các hình thức ngược đãi trẻ em và ước tính các thiệt hại kinh tế có liên quan.

Kết quả cho thấy thiệt hại kinh tế hằng năm của các hình thức ngược đãi trẻ em lần lượt là: lạm dụng cảm xúc 65,9 tỉ USD, lạm dụng tình dục 39,9 tỉ USD, lạm dụng thân thể 39,6 tỉ USD, bỏ bê trẻ 32,4 tỉ USD, chứng kiến hành động bạo lực gia đình 31 tỉ USD và tử vong vì bị ngược đãi 500 triệu USD. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tác động xã hội và kinh tế của các hình thức ngược đãi trẻ em đã trở thành một gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế. Ngoài ra, các chuyên gia còn ghi nhận xu hướng gia tăng các hành động bạo lực và phạm tội tại Đông Á- Thái Bình Dương.

Lao động trẻ em tại một nhà máy dệt may ở Trung Quốc. Ảnh: Green Peace

Nghiên cứu phát hiện hình thức lạm dụng trẻ em phổ biến nhất trong khu vực này là lạm dụng cảm xúc, ảnh hưởng tới 42% bé gái ở các nước thu nhập cao chẳng hạn như Singapore và Malaysia. Riêng tại Trung Quốc, tình trạng lạm dụng cảm xúc ảnh hưởng đến 2/3 số trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Trong khi đó, khoảng 25% nam giới ở các nước thu nhập thấp như Myanmar và Campuchia bị các rối loạn tinh thần là do từng bị lạm dụng thân thể trong thời niên thiếu.

Quan ngại trước các phát hiện mới, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Toole cho biết tổ chức này đang làm việc với chính phủ các nước để giải quyết tình trạng ngược đãi trẻ em. "Chúng ta đều biết rằng hành động bạo lực đối với trẻ em phải được ngăn chặn, bởi lẽ nó sai trái về mặt đạo đức. Nghiên cứu này cho thấy việc thiếu hành động chống lại bạo lực đã dẫn đến những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các quốc gia và cộng đồng" - ông Toole nhấn mạnh.

Theo các nhà khoa học, lạm dụng trẻ em gây ảnh hưởng đến năng lực học tập, tình trạng thể chất và sức khỏe tinh thần, khả năng làm việc, đồng thời làm tăng nguy cơ có các hành động gây hấn, bạo lực và phạm tội của nạn nhân.

NGUYỆT CÁT (Theo Yahoo News, Reuters)

Chia sẻ bài viết