13/11/2012 - 21:48

Làm để dân thấy, dân tin

Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động thành phố cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Liên đoàn Lao động quận Bình Thủy vừa tổ chức buổi tọa đàm giao lưu với các cá nhân, tập thể điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn quận, nhằm trao đổi kinh nghiệm tổ chức việc học tập và làm theo gương Bác thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Trong câu chuyện của từng tập thể, cá nhân, có thể nhận thấy một điều giản dị: Làm theo gương Bác trước hết là hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc mình đảm nhiệm với tinh thần, trách nhiệm cao nhất và phải thể hiện qua việc làm, hành động cụ thể hàng ngày để nhân dân thấy và tin tưởng.

Thể hiện qua hành động, việc làm cụ thể

Trước câu hỏi "Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai như thế nào ở phường để phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao?", đồng chí Phạm Thị Thu Lan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Bình Thủy, chia sẻ: "5 năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ được quán triệt, trở thành việc làm thường xuyên trong cán bộ, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể phường mà còn được tuyên truyền, phát động sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân, thông qua các tổ dân vận, tổ dân phố, các Chi hội, đoàn thể các khu vực…". Hàng năm, từng đoàn viên Công đoàn phường đều đăng ký thực hiện việc học tập, làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; gắn kết quả thực hiện trong bình xét các danh hiệu lao động giỏi, lao động tiên tiến. Chị Lan chia sẻ: "Đối với chúng tôi, việc đánh giá kết quả học tập, làm theo gương Bác của mỗi cá nhân chính là phải tạo được niềm tin, sự tín nhiệm đối với nhân dân…".

Đại diện Công đoàn cơ sở Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy, ông Nguyễn Văn Luôn, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Hàng tháng, trong các cuộc họp chi bộ, các đoàn viên là đảng viên lần lượt kể một mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác để tập thể cùng rút ra bài học thiết thực, gắn với công việc và sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi người. Từng đoàn viên còn xây dựng chương trình kế hoạch rèn luyện của bản thân. Đây là cơ sở bổ sung vào thang điểm đánh giá phẩm chất đạo đức cơ bản của từng cán bộ, đảng viên với các tiêu chí như: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần tự phê bình và phê bình trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng… Học gương Bác, cán bộ, công chức, viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc; đi làm đúng giờ, đảm bảo ngày công; tiết kiệm điện nước, văn phòng phẩm…

Chia sẻ về kinh nghiệm của đơn vị mình, anh Nguyễn Việt Quân, Chủ tịch UBND phường An Thới, cho biết: "Đảng ủy, UBND phường An Thới xây dựng kế hoạch cụ thể về đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến năm 2015 và những năm tiếp theo với các nội dung như: "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, sửa đổi lối làm việc", "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"…, nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mới đây, qua phát phiếu khảo sát, lấy ý kiến về sự tín nhiệm, hài lòng của người dân, có 750/750 phiếu bày tỏ sự tín nhiệm, hài lòng đối với cán bộ trong hướng dẫn và phục vụ bà con giải quyết thủ tục hành chính...". Theo anh Quân, chính vì đội ngũ cán bộ tạo được sự tín nhiệm của nhân dân nên công tác vận động nhân dân thực hiện các phong trào, công trình công ích càng thuận lợi. Trong 5 năm qua, nhân dân các khu vực đã đóng góp trên 10 tỉ đồng xây dựng đường giao thông, 550 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa phường và các thiết chế văn hóa ở 5 khu vực, 100% hộ dân đăng ký tham gia an toàn giao thông…

Phấn đấu là "Người đầy tớ trung thành của nhân dân"

Cô Nguyễn Kim Chính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bùi Hữu Nghĩa, là một trong những tấm gương đi đầu trong các phong trào giúp đỡ người nghèo, vận động làm đường, cảm hóa thanh niên chậm tiến…ở địa phương. Cô Chính tâm sự: "Trong quá trình công tác, tôi luôn ghi nhớ, thực hiện những lời Bác dạy: "Bất kỳ ở địa vị nào, làm việc gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra". Chính vì vậy, bản thân tôi luôn xem việc giúp đỡ người nghèo, tiên phong trong các phong trào tại địa phương là trách nhiệm, nghĩa vụ, là sự đền ơn đáp nghĩa với nhân dân". Những năm qua, cô Kim Chính đã vận động hơn 4,5 tấn quần áo cũ, trên 30 triệu đồng để tặng cho người nghèo, đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Bên cạnh đó, cô đã tích cực góp phần cùng với các ban, ngành, đoàn thể phường vận động cảm hóa 14 thanh thiếu niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định. Cô chia sẻ: "Lúc sinh thời, Bác rất quan tâm, chăm lo cho thế hệ trẻ. Bởi đó là lực lượng tiên phong trong xây dựng đất nước, kế thừa thành quả mà cha anh đã đánh đổi bằng máu xương. Vì vậy, trong các nhiệm vụ được giao, điều tôi băn khoăn, lo lắng nhất là nhiệm vụ giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến". Theo cô Chính, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến phải bằng cái tâm, lòng vị tha bao dung của người mẹ. Đồng thời, phải thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Có như vậy các em mới chuyển biến về nhận thức, hạn chế tối đa việc tái phạm…

Càng trăn trở trong việc giáo dục thế hệ trẻ sống đẹp, sống có ích, thầy Lư Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông, càng quyết tâm học tập, nâng cao trình độ để làm tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, thầy được phân công về giảng dạy ở Trường THCS Thới An Đông. Do trường thiếu giáo viên, thầy Sáu đảm nhận dạy thêm nhiều môn học. Vì vậy, thầy phải tự nghiên cứu, học tập để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1987, thầy Sáu được đề bạt giữ chức vụ Hiệu phó và giữ chức vụ Hiệu trưởng từ năm 1995 cho đến nay. Thầy Sáu bộc bạch: "Bác dạy: "Suy cho cùng sự việc thành hay bại là do người cán bộ tốt hay xấu, đặc biệt là người cán bộ lãnh đạo". Từ lời Bác, tôi lĩnh hội được vấn đề là chỉ có học tập mới có thể nâng cao được trình độ và kiến thức chuyên môn". Với suy nghĩ đó, thầy Sáu đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn để học liên thông lên đại học và tự học tin học để phục vụ công tác giảng dạy, quản lý; đồng thời cùng với Ban Giám hiệu tích cực động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường học tập nâng cao trình độ. Nhờ đó, đến nay, 100% giáo viên của trường đều đạt chuẩn, trong đó có 46% giáo viên trên chuẩn. Hàng năm, tỷ lệ học sinh lên lớp là 95%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 42%...

Đối với chị Huỳnh Ngọc Yến, Trưởng trạm Y tế phường Long Tuyền, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ chỉ đơn giản là yêu thương, chăm sóc người bệnh như người thân. Theo chị, người thầy thuốc phải có lương tâm và trách nhiệm cao. Chị cho biết, mỗi khi chăm sóc người bệnh chị luôn niềm nở, chân tình để tạo niềm tin với người bệnh và gia đình họ. Theo chị Yến, những trường hợp bệnh nặng chị luôn nhiệt tình chăm sóc, tư vấn để bệnh nhân và gia đình biết rõ tình hình mà tiên liệu. Có trường hợp bị tai nạn giao thông vào giữa đêm khuya, khi hay tin chị vội vàng đến ngay sơ cứu trước khi đưa bệnh nhân vào bệnh viện, không đùn đẩy vì sợ chịu trách nhiệm…Với chị, việc học tập và làm theo gương Bác được thể hiện trong từng công việc hàng ngày. Cụ thể như khi kê đơn thuốc, chị luôn cân nhắc kỹ để đơn thuốc điều trị đúng bệnh chứ không kê đơn để hưởng hoa hồng từ các công ty dược. Chị tâm sự: "Dù kinh tế địa phương phát triển nhưng vẫn có nhiều bà con khó khăn. Mình vì một chút lợi ích, kê toa để "móc túi" họ thì tội lắm. Y, bác sĩ mà tìm cách "móc túi" người bệnh để làm giàu là có tội, đối với người nghèo thì tội càng nặng hơn…".

Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, những tấm gương điển hình và kinh nghiệm được chia sẻ trong buổi giao lưu đáng để mỗi công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) soi rọi, học tập. Qua đó, khơi dậy tinh thần, ý chí phấn đấu học tập theo gương Bác bằng những hành động cụ thể. Ông Nguyễn Trọng Tấn nói: "Mỗi CNVCLĐ cần xem việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là nhiệm vụ thường xuyên, tập trung "làm theo" Bác bằng những hành động, việc làm cụ thể, tạo thành một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trong CNVCLĐ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và cá nhân".

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết