10/05/2010 - 20:43

Lãi suất tiền gửi và vay sẽ hợp lý hơn ?

Hoạt động giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) tại TP Cần Thơ.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14-4-2010 về Hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam (VNĐ) đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận, hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố mức lãi suất cho vay. Cùng thời điểm này, các ngân hàng đồng loạt công khai các khoản lãi thực trả cho khách hàng gửi tiền, thị trường tín dụng đã trở nên sôi động hơn...

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 14%/năm. Đối với lãi suất cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất tối đa 13%/năm. Lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khoản vay dự án phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận tối đa 14,5%/năm. Để đảm bảo ổn định đầu ra, BIDV cũng khống chế lãi suất huy động ở mức tối đa 11,5%/năm. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã xác lập một mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận mới ở mức 14-16%/năm, riêng đối với những khách hàng tốt có dự án kinh doanh khả thi lãi suất vay áp dụng khoảng 14%/năm.

Anh Phan Trung Nhân, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: “Động thái giảm lãi suất cho vay của hầu hết các ngân hàng đang là một tín hiệu vui đối với khách hàng có nhu cầu vay để bổ sung nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo tôi mức lãi suất này hiện vẫn còn khá cao...”.

Ngoài việc hạ lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất huy động mới cũng chính thức được các ngân hàng công bố với mức lãi suất huy động thực cao nhất 11,6%/năm của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Tuy nhiên, hiện tại, kỷ lục về lãi suất huy động đang nằm trong tay Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) với các kỳ hạn 3-12 tháng tới 11,99%/năm. Lãi suất huy động thông thường được Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) công bố giữa tháng 4-2010 với mức cao nhất 11,5%/năm cho các kỳ hạn 3-12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và nhiều ngân hàng thương mại khác cũng công bố lãi suất huy động vốn tối đa không vượt quá 11,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TiênPhongBank) cũng đã đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi VNĐ ở tất cả các gói dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng lãi suất cao nhất được điều chỉnh trên 1%/năm. Theo đó, mức lãi suất cao nhất đối với gói dịch vụ “Tiết kiệm đa lộc” là 11,5%/năm, kỳ hạn từ 3-12 tháng với lượng tiền gửi 5 tỉ đồng trở lên. Đặc biệt, gói dịch vụ “Tiết kiệm điện tử” (với số tiền gửi tối thiểu 1 triệu đồng) các kỳ hạn gửi từ 3-36 tháng cũng đã được điều chỉnh lãi suất lên 11,42%/năm.

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, mức lãi suất huy động này có thể coi là khá hấp dẫn đối với một số đối tượng khách hàng. Với việc công khai các mức lãi suất khá hợp lý như hiện nay, thời gian tới các ngân hàng thương mại có thể sẽ còn cắt giảm dần các chương trình khuyến mãi tặng tiền dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm. Khi lãi suất cho vay giảm xuống thì lãi suất huy động đương nhiên cũng phải giảm theo để đảm bảo cho các ngân hàng thương mại hoạt động có lãi. Thực tế việc cắt giảm lãi suất cho vay trong khi chi phí huy động vốn khó giảm mạnh đang là bài toán khó đối với các ngân hàng. Hiện các ngân hàng thương mại đều phải tính toán cân nhắc rất kỹ để cân đối bài toán chi phí đầu ra và đầu vào.

Theo nhận xét của đại diện một chi nhánh ngân hàng tại TP Cần Thơ, xu thế lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm trong thời gian tới và lượng cung vốn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ giảm không quá sâu mà ổn định ở mức hợp lý để các doanh nghiệp vay vốn hoạt động hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo được giá trị VNĐ.

Mức lãi suất huy động thực tế và lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay sẽ là mức trần của lãi suất thị trường. Cụ thể, mức lãi suất huy động thời gian tới dự báo sẽ dao động xoay quanh mức 10,5%/năm đến dưới 12%/năm tùy vào từng kỳ hạn tín dụng. Lãi suất cho vay sẽ ở mức 14-16%/năm đối với khách hàng quy mô trung bình. Tuy nhiên, để giảm được lãi suất thỏa thuận xuống mức bình quân 15%/năm, các ngân hàng thương mại cũng phải nỗ lực cắt giảm chi phí huy động vốn. Mặc dù lãi suất huy động chưa thể giảm ngay, nhưng chắc chắn các chương trình khuyến mãi sẽ phải được thu hẹp lại, một chuyên gia trong ngành nhận định.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Chia sẻ bài viết