14/06/2009 - 20:13

Lãi suất tiền gửi tiếp tục "nóng"

Lãi suất huy động tiền gửi tăng đang thu hút nhiều người tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Ảnh: Giao dịch ở một ngân hàng thương mại chi nhánh TP Cần Thơ.

“Cuộc đua” lãi suất huy động tiền gửi đồng Việt Nam (VND) càng thêm nóng khi vài ngày gần đây một số ngân hàng lại tiếp tục công bố điều chỉnh tăng mức lãi suất tiền gửi chạm ngưỡng 10%/năm. Bên cạnh đó, nhiều chiêu thức hút vốn dài hạn bằng hàng loạt chương trình khuyến mãi như: gửi tiền tặng tiền, gửi tiền trúng vàng, tặng thêm phần trăm lãi suất tiền gửi... và nhiều ưu đãi may mắn rút thăm trúng thưởng hấp dẫn khác càng làm cho thị trường tín dụng thêm “sốt”...

CHẠM NGƯỠNG 10%/NĂM

Từ đầu tháng 6-2009 đến nay, thị trường tín dụng ở TP Cần Thơ đã có thêm ít nhất 4 đợt tăng lãi suất huy động VND lần lượt ở các ngưỡng 9,5%/năm, 9,8%/năm, 9,99%/năm và 10%/năm. Đợt điều chỉnh lãi suất lần này diễn ra ở hầu hết các kỳ hạn gửi, trong đó, mức tăng mạnh nhất là các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi cuối kỳ các thời hạn dưới 12 tháng trở xuống cũng đang được nhiều ngân hàng thương mại nâng lên mức trên 8%/năm.

Ngày 5-6-2009, Ngân hàng TMCP Nam Việt (NAVIBANK) áp dụng đối với món tiền gửi trên 1 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng đã lên đến 10%/năm, tăng trên 3,95% so với lãi suất mức lãi suất trước đây. Món tiền gửi từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng có mức lãi suất 9,5%/năm. Lãi suất 9,5%/năm ở kỳ hạn này còn có ở Ngân hàng TMCP Miền Tây (WesternBank).

Hiện tại, mức lãi suất lên đến 9,99%/năm đang thuộc về Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) sau khi ngân hàng này chính thức triển khai 2 sản phẩm tiết kiệm mới “Tiết kiệm Tỷ phú” và “Tiết kiệm Phú quý” kể từ ngày 10-6-2009. Mức lãi suất này được áp dụng dành cho khách hàng chọn hình thức “Tiết kiệm Tỷ phú” với số tiền gửi tối thiểu 999 triệu đồng với kỳ hạn 369 ngày, hoặc “Tiết kiệm Phú quý” với số tiền 99 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 900 ngày. Sau ABBANK, mức lãi suất 9,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng cũng đang được nắm giữ ở nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank), Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank)...

Tiếp nối đợt tăng lãi suất huy động tiền gửi lên đến 9,5%/năm (kỳ hạn 36 tháng) đầu tháng 6-2009, Maritime Bank tiếp tục đẩy kỳ hạn này lên 9,8%/năm kể từ ngày 10-6-2009. Theo biểu lãi suất mới niêm yết tại chi nhánh Maritime Bank Cần Thơ, kỳ hạn 36 tháng được áp dụng với 4 nhóm tiền gửi (dưới 200 triệu đồng, từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng và trên 1 tỉ đồng) và có mức tăng 0,3-0,95% so với hồi đầu tháng 6. Kỳ hạn 24 tháng cũng có lãi suất cao, lần lượt ở mức 9,15%/năm, 9,2%/năm, 9,25%/năm và 9,3%/năm. Mức lãi suất cũ 7,9-8,7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn gửi từ 1 đến 18 tháng đã vọt lên 8-9%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) chi nhánh Cần Thơ, mức lãi suất 9,8%/năm (kỳ hạn 36 tháng) được áp dụng cho khách hàng tham gia chương trình tiết kiệm siêu lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ. Đối với các kỳ hạn gửi 4-24 tháng thuộc chương trình này cũng đã nhích lên 8,4-9,5%/năm.

Đợt phát hành 1.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi VND của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIBBank) đã nâng mức lãi suất lên 8,2-9,1%/năm đối với kỳ hạn 7-36 tháng. Riêng đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng, VIBBank còn tặng thêm lãi suất thưởng từ 0,3%-0,45%/năm lên mức 9,3-9,55%/năm kể từ ngày 1-6-2009. Sau 1 tuần điều chỉnh tăng (ngày 4-6-2009), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lại tiếp tục thay đổi mức lãi suất mới trước sức ép dồn dập công bố tăng lãi suất của hàng loạt ngân hàng khác trên thị trường. Theo đó, mức lãi suất mới của Techcombank (áp dụng ngày 11-6-2009) tăng thêm 0,05-0,35% ở tất cả các kỳ hạn lên 7,8-9,2%/năm.

“Cuộc chạy đua” gia tăng lãi suất cũng đang diễn ra ở hàng loạt chi nhánh ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Ngoài quốc doanh (VPBank)... Mặc dù, biên độ tăng lãi suất ở các ngân hàng này có phần hẹp hơn (khoảng 0,05-0,3%), nhưng đã tạo ra sức hấp dẫn mới trên thị trường tín dụng và thu hút sự chú ý của không ít khách hàng.

SỨC ÉP LỢI NHUẬN

Theo nhận định của ông Lê Nguyễn Trần Huấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Miền Tây (WesternBank), nhiều tháng qua, sức tăng nóng của thị trường chứng khoán, vàng và sự ấm dần lên của thị trường bất động sản đang hấp dẫn nhà đầu tư. Tính thanh khoản của các kênh đầu tư này tăng mạnh, khả năng sinh lời nhanh, nên nguồn vốn nhàn rỗi đổ vào đây thời gian qua rất lớn, ngày càng đè nặng lên thị trường tín dụng. Để “hâm nóng” thị trường và giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng buộc phải gia tăng các gói sản phẩm tiền gửi tiết kiệm, gia tăng lãi suất và các chiêu thức khuyến mãi hấp dẫn khác.

Mục đích của đợt tăng lãi suất tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của ngân hàng trong thời gian tới khi nhu cầu tín dụng đang có dấu hiệu phục hồi dần. Quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng đều dựa trên nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong tháng vừa qua và đang có xu hướng tăng lên khi gói hỗ trợ lãi suất thứ 2 cho vốn trung và dài hạn đã bắt đầu chuyển động. Hơn nữa, dù tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu quý I-2009 khả quan, hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh có lãi đã giúp ngân hàng mạnh tay hơn trong các quyết định tăng lãi suất.

Việc “chạy đua” lãi suất càng tạo ra áp lực lớn về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vì lãi suất huy động cao, nhưng cho vay thấp. Lãi suất cơ bản hiện vẫn được giữ ở mức 7%/năm trong khi lãi suất cho doanh nghiệp vay tối đa là 10,5%/năm. Như vậy, với lãi suất cao nhất hiện nay (tính đến ngày 13-6-2009) thì khoảng cách giữa trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất cho vay chỉ còn 0,5%.

Ông Lê Nguyễn Trần Huấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Miền Tây (WesternBank), cho biết thêm: “Phần lớn các ngân hàng đều mong muốn biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở mức 2-3%. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh, các ngân hàng không thể đứng yên trước xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng khác nếu không muốn mất khách hàng. Việc điều chỉnh lãi suất nhằm cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng trong những tháng tới”.

Thực tế cho thấy, mức lãi suất 9-10%/năm chủ yếu diễn ra ở một số kỳ hạn dài và với món tiền gửi rất lớn, trong khi phần lớn khách hàng lại có tâm lý gửi ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng để chờ cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khác. Do đó, lãi suất liên tục được các ngân hàng thương mại đẩy lên đến đỉnh mới, nhưng không ít khách hàng vẫn còn phân vân. Chị Phan Thị Hồng, một khách hàng tham khảo biểu lãi suất tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, nói: “Mức lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng dao động 7,8-8,25% vẫn chưa thực sự thuyết phục được khách hàng. Nếu có món tiền 100 triệu, đồng đầu tư vào chứng khoán hay vàng thì chỉ một vài tuần có thể kiếm lời tiền triệu, trong khi cũng số tiền đó bỏ vào ngân hàng thì mỗi tháng chỉ thu về được vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, gửi tiết kiệm lại là kênh đầu tư an toàn nhất!”.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Lãi suất huy động tiền gửi tăng đang thu hút nhiều người tham gia gửi tiền tiết kiệm. Ảnh: Giao dịch ̖

Chia sẻ bài viết