09/09/2018 - 17:05

Lại nỗi lo cực hữu! 

Cuộc bầu cử tại Thụy Điển vào hôm qua 9-9 bị chi phối bởi vấn đề người tị nạn, mà nói như lãnh đạo đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển Jimmie Akesson (ảnh) là bỏ phiếu để chọn giữa nhập cư và phúc lợi. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ 2015, năm Thụy Điển mở cửa tiếp nhận 163.000 người tị nạn. Tuy con số thấp hơn nhiều so với 890.000 người ở Đức, nhưng nếu tính bình quân đầu người thì Thụy Điển là quốc gia tiếp nhận nhiều người nhập cư nhất châu Âu. Cuộc tổng tuyển cử diễn ra hơn một năm sau vụ tấn công khủng bố bằng xe tải khiến 5 người thiệt mạng và 14 người bị thương tại Thủ đô Stockholm. Thủ phạm là một công dân Uzbekistan bị từ chối tị nạn tại Thụy Điển.

Lâu nay được xem là thành trì của ổn định kinh tế và các giá trị tự do, hay “siêu cường nhân đạo” như cách nói của cựu Thủ tướng Fredrik Reinfeldt, nhưng hệ thống phúc lợi hiện tại ở quốc gia 10 triệu dân vùng Scandinavia này trong mắt nhiều cử tri là không khác gì khủng hoảng. Tình trạng nhiều người xếp hàng chờ phẫu thuật, thiếu bác sĩ và giáo viên, cảnh sát không đủ sức đối phó với bạo lực đang làm lung lay niềm tin vào “mô hình Thụy Điển”, vốn được xây dựng dựa trên cam kết bảo đảm phúc lợi toàn diện và hòa nhập xã hội.

Tình trạng trên được các đảng chống nhập cư triệt để khai thác. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng Dân chủ Thụy Điển với cương lĩnh “cấm cửa” người nhập cư và rời khỏi Liên minh châu Âu (Swexit) có thể giành được 20-25% số phiếu ủng hộ. Tuy không thể đứng ra thành lập chính phủ nhưng đảng cực hữu này sẽ có thể gây áp lực đối với nội các kế tiếp. Lãnh đạo Akesson của Dân chủ Thụy Điển tuyên bố sẽ nhấn chìm bất kỳ chính phủ nào từ chối cho đảng của ông có tiếng nói trong việc hoạch định chính sách, đặc biệt là vấn đề nhập cư.

Ông Akesson cuối tuần rồi cũng gây tranh cãi khi nói rằng người nước ngoài khó tìm việc tại Thụy Điển bởi vì “Họ không phải là người Thụy Điển, họ không thể điều chỉnh để phù hợp với Thụy Điển”. Thủ tướng Stefan Lofven gọi phát biểu này là phân biệt chủng tộc và là mối đe dọa đối với các giá trị châu Âu. Trong khi đó, Andreas Hatzigeorgiou, chuyên gia kinh tế trưởng tại Phòng Thương mại Stockholm cho biết Swexit sẽ khiến GDP của Thụy Điển giảm 4% và nước này mất 73.000 việc làm vào năm 2031.

Những năm gần đây, làn sóng người tị nạn chạy trốn nội chiến ở Syria, xung đột ở Afghanistan và một số quốc gia châu Phi đã góp phần vào sự trỗi dậy của các đảng cực hữu tại châu Âu, như ở Đức, Ý, Áo, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch…và bây giờ là Thụy Điển. Tại Áo, lãnh đạo đảng Tự do Heinz-Christian Strache hiện đang giữ ghế phó thủ tướng sau khi đảng này về thứ ba trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Ở Ý, chính phủ hiện nay là liên minh giữa hai đảng dân túy (Phong trào 5 sao)  và cực hữu (Liên đoàn). Đảng Sự lựa chọn khác vì nước Đức cũng về thứ ba trong cuộc bầu cử năm 2017 và trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây có lúc vươn lên vị trí đảng lớn thứ hai, chỉ sau CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel.

Trước tình hình này, Brussels đang lo ngại phe cực hữu sẽ giành nhiều ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm tới.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết