21/08/2017 - 20:54

Lại lo thiếu giáo viên mầm non 

Bước vào năm học mới (2017-2018), một số quận, huyện của thành phố đang thiếu giáo viên, nhất là ở bậc mầm non (MN).

Năm học 2017-2018, cơ sở mới của Trường MN Trung Hưng 1 (huyện Cờ Đỏ) sẽ được đưa vào sử dụng, phục vụ 220 trẻ của 7 nhóm lớp học (100% bán trú). Thế nhưng trường chỉ có 17 cán bộ, giáo viên (trong đó có 12 giáo viên). Cô Trương Vy Thùy Duyên, Hiệu trưởng Trường MN Trung Hưng 1,  cho biết: “Trường còn thiếu 2 giáo viên MN phục vụ các lớp bán trú”. Theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ, bên cạnh cơ sở vật chất trường lớp, tình trạng thiếu giáo viên vào mỗi đầu năm học luôn là nỗi lo. Hiện nay, biên chế chung của huyện là 1.414 giáo viên, nhu cầu vị trí việc làm cần là 1.518 biên chế nên thiếu 104 giáo viên (cả MN, tiểu học và THCS), trong đó thiếu nhiều nhất là ở bậc MN (thiếu 63 giáo viên).

Giáo viên Trường MN Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) trang trí phòng học, chuẩn bị đón trẻ năm học mới 2017-2018.

Giáo viên Trường MN Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) trang trí phòng học, chuẩn bị đón trẻ năm học mới 2017-2018.

Tình trạng thiếu giáo viên MN không chỉ ở huyện Cờ Đỏ mà còn ở các trường thuộc huyện Phong Điền, Ô Môn... Tháng 9 tới, cơ sở mới của  Trường MN Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) hoạt động với quy mô 1 trệt, 1 lầu (6 phòng học và 5 phòng chức năng), đảm bảo mở 100% lớp bán trú, với 226 trẻ/6 nhóm lớp. Tuy vậy, cô Nguyễn Thị Lượm, Hiệu trưởng nhà trường, lo lắng: “Trường hiện có 11 giáo viên. Để đảm bảo dạy học, chăm sóc tốt cho trẻ, trường vẫn còn thiếu 1 giáo viên”. Tại quận Ô Môn, theo thầy Võ Công Tuấn, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn, ngành giáo dục quận đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới với 1.600 giáo viên, nhưng vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Trong đó, bậc MN thiếu 30 giáo viên.

Tình trạng thiếu giáo viên MN xảy ra nhiều năm nay ở các quận huyện, gây khó khăn trong triển khai các nội dung chương trình năm học; nhất là thực hiện chương trình giáo dục MN mới... Lý giải tình trạng này, theo cán bộ quản lý các địa phương, một phần cơ sở vật chất trường lớp mới xây dựng, quy mô mở lớp bán trú tăng, nhu cầu số lượng giáo viên MN tăng theo. Mặt khác, giáo viên bậc học MN vất vả, mức lương vẫn chưa đủ sức hút để giữ chân giáo viên bám trụ dài lâu với ngành. 

Theo thầy Trần Ngọc Nghị, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, song hành cùng phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên MN) phải tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, mới đảm bảo dạy và phục vụ lớp 2 buổi/ ngày, bán trú. Tình trạng thiếu giáo viên MN đã có từ các năm trước nhưng tuyển dụng khó khăn, không có nguồn tuyển. Một số giáo viên MN đến tuổi nghỉ hưu nên tình trạng thiếu giáo viên càng thêm nan giải. Thầy Nghị nói: “Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên MN, ngành đã chỉ đạo các trường hợp đồng thêm giáo viên MN vừa ra trường, phối hợp mở lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên MN”. Đồng quan điểm này, thầy Võ Công Tuấn, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: Ngành đang chỉ đạo các trường hợp đồng sinh viên sư phạm MN mới ra trường; điều động, bố trí giáo viên  phù hợp với chuyên môn; tạo điều kiện cho thầy cô học tập nâng cao trình độ.

Để tránh tình trạng hụt hẫng, ngành giáo dục cần sớm dự báo, có kế hoạch, chiến lược đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Hơn hết, bên cạnh tạo môi trường làm việc, rất cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho bậc học MN; cũng như có chế độ đãi ngộ cho giáo viên MN, nhất là ở vùng xa trung tâm thành phố.  

Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết