08/12/2007 - 22:14

Lại chuyện kinh phí!

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Đề án “Qui hoạch phát triển tổng thể Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) trọng điểm đến năm 2020”. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với trường trong quá trình xây dựng ĐHCT trở thành một trong những trường có chất lượng đào tạo ngang với các trường khu vực Đông Nam Á và là một trung tâm đào tạo mạnh cho các nước trong lưu vực sông Mekong. Tất nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, mức đầu tư phải tương xứng.

Hiện nay, tính tất cả các khoản đầu tư từ ngân sách và các khoản thu của trường, kinh phí hàng năm dành cho Trường ĐHCT là 200 tỉ đồng, tương đương 12 triệu USD. Trong đó, Nhà nước đầu tư khoảng 50- 60 tỉ đồng; học phí và các nguồn thu khoảng 50 tỉ; 100 tỉ còn lại là nguồn thu từ hợp tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Theo Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, so với một số trường ĐH có qui mô nhỏ trong khu vực Đông Nam Á, mức đầu tư như thế đã là nhỏ, trong khi đó, ĐHCT là một trường ĐH có qui mô trung bình lớn. Chẳng hạn, ở Thái Lan, một trường ĐH trung bình được đầu tư từ 100- 150 triệu USD/ năm, chưa tính khoản đầu tư cơ sở vật chất. Chính mức đầu tư thấp như thế nên khó có thể đòi hỏi những bước nhảy vọt mang tính đột phá.

Đề án “Qui hoạch phát triển tổng thể ĐHCT trọng điểm đến năm 2020” được duyệt với tổng kinh phí gần 5.900 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 3.100 tỉ đồng, chiếm khoảng 53% tổng nhu cầu tài chính của đề án. Phần còn lại từ các nguồn: Trường ĐHCT tự huy động; nguồn tự bổ sung của trường (học phí, hợp tác nghiên cứu khoa học, sản xuất dịch vụ); viện trợ, tài trợ. Trong đó, nguồn tự bổ sung của trường, mà chủ yếu là nguồn thu học phí, khá cao, trên 1.500 tỉ đồng. Tính ra, trong vòng 12 năm tới (tính từ năm 2008 đến 2020), bình quân mỗi năm, kinh phí dành cho Trường ĐHCT khoảng 490 tỉ đồng. Và nếu cứ tính mức đầu tư rải đều, mỗi năm ngân sách nhà nước “rót” cho Trường ĐHCT chỉ 258 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, để tạo bước đột phá, trong 5 năm đầu tiên thực hiện đề án, Trường ĐHCT cần được đầu tư khoảng 500 tỉ đồng/ năm.

Một thông tin rất đáng suy nghĩ: năm 2008, dự kiến Trường ĐHCT sẽ được đầu tư công trình khoảng 112 tỉ đồng và trường phải tìm vốn đối ứng 30 tỉ đồng. Đó không phải là chuyện dễ bởi tổng nguồn thu học phí của trường chỉ khoảng 50 tỉ đồng mà phần lớn lại phải sử dụng để đối ứng lương, đặc biệt sắp tới lương cơ bản lại tăng.

Là trường ĐH trọng điểm của ĐBSCL, ĐHCT có vai trò rất đặc biệt đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng nói riêng và quá trình phát triển kinh tế xã hội của vùng nói chung. Cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu, trong chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất, có nói: “Ngay cả về kinh tế, nếu muốn thành công thì trước hết phải có sự đầu tư vào giáo dục tốt”. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của ĐBSCL đối với sự phát triển chung của cả nước, vai trò của ĐHCT đối với sự phát triển của ĐBSCL. Tuy nhiên, những năm gần đây, mức đầu tư hàng năm cho phát triển sự nghiệp giáo dục ĐBSCL nói chung, Trường ĐHCT nói riêng chưa tương xứng. Người dân ĐBSCL luôn trông đợi sự đầu tư mang tính đột phá cho ĐHCT cũng như cho ĐBSCL của Trung ương chứ không phải cách đầu tư dàn đều, rải mành mành như từ trước đến nay.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết