27/10/2016 - 21:55

Lá phiếu trắng lịch sử

Dù được dự báo trước, nhưng các phái đoàn ngoại giao quốc tế không khỏi ngỡ ngàng và phấn khích khi đại diện ngoại giao Mỹ lần đầu tiên bỏ phiếu trắng nghị quyết (thứ 25) của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) kêu gọi Washington bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế kéo dài suốt 55 năm qua chống Cuba.

Tại trụ sở LHQ ở New York sáng 26-10 (giờ địa phương), khi bảng điện tử xuất hiện kết quả 191 phiếu thuận và 2 phiếu trắng (của Mỹ và Israel), cả hội trường dậy sóng bởi tràng pháo tay kéo dài của hàng trăm đại diện ngoại giao đến từ 193 quốc gia thành viên. Điều thú vị là Israel đã thể hiện rõ vai trò đồng minh "cật ruột" của Mỹ khi cùng bỏ phiếu trắng, bởi mới năm ngoái Israel là nước duy nhất tiếp tục ủng hộ Washington bác bỏ nghị quyết của LHQ đòi chấm dứt trừng phạt kinh tế chống Havana.

Ngay trước cuộc bỏ phiếu, các nhà ngoại giao quốc tế cũng đã vỗ tay vang dội khi nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power có lời thông báo đơn giản nhưng chưa từng có: "Nước Mỹ đã luôn bỏ phiếu chống nghị quyết này. Hôm nay nước Mỹ sẽ bỏ phiếu trắng". Đáng ngạc nhiên hơn khi bà Power thổ lộ rằng chính sách cô lập chống Cuba của Mỹ "đã cô lập Mỹ, bao gồm ở đây – LHQ". Bà còn gọi nghị quyết của LHQ là "thí dụ tuyệt vời giải thích tại sao chính sách của Mỹ cô lập Cuba không có tác dụng và thậm chí tồi tệ vì nó phá hoại rất nhiều mục tiêu mà nước Mỹ có thể đạt được".

Tờ Huffington Post của Mỹ gọi lá phiếu trắng của chính quyền Tổng thống Barack Obama là một thắng lợi của Cuba và cuộc đấu tranh chính trị không mệt mỏi của các nhà ngoại giao quốc tế từ năm 1991 đến nay. Hãng tin Anh Reuters đánh giá tuy nghị quyết không mang tính ràng buộc nhưng có thể mang "sức nặng chính trị". Hãng CNN cũng cho rằng sự thay đổi của chính quyền Mỹ là một bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Hành động này có thể tạo áp lực thật sự đối với các nghị sĩ quốc hội Mỹ trong các quyết sách của Mỹ đối với Cuba.

Chính bà Samantha Power khẳng định đây là bước đi nhỏ mà Nhà Trắng có thể thực hiện trong nỗ lực cùng với Cuba tìm kiếm con đường hợp tác bất chấp những khác biệt còn tồn tại giữa hai nước. "Có thể sẽ còn nhiều bước đi nữa, trong đó chúng tôi hy vọng cuối cùng thì lệnh cấm vận sẽ kết thúc. Sau 55 năm theo đuổi con đường cô lập, chúng tôi đang lựa chọn con đường hứa hẹn" - bà Power bày tỏ.

Lá phiếu trắng lịch sử của Mỹ dành cho Cuba rõ ràng là một tín hiệu đầy triển vọng, một bước tiến nhanh sau khi lãnh đạo hai nước thông báo kế hoạch khôi phục quan hệ ngoại giao ngày 17-12-2014, dù con đường đi tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước vẫn còn trở ngại, gập ghềnh.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết