05/05/2018 - 16:02

Kỳ vọng về một đồng bằng mới 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vùng kinh tế năng động, với tiềm lực phát triển nông nghiệp lớn nhất cả nước. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển, do xuất phát điểm thấp, nội lực chưa đủ mạnh nhưng ĐBSCL gần đây đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp (DN) lớn trong nước quan tâm đầu tư. Các địa phương cũng đang chuyển động để bứt phá, tạo sự khác biệt và bắt kịp với xu thế phát triển mới.

Nội lực đồng bằng

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2018, vùng ĐBSCL có 3.040 DN được cấp mới đăng ký kinh doanh, chiếm 7,4% tổng số thành lập mới của cả nước. Vốn đăng ký 29.560 tỉ đồng, chiếm 7,2% tổng số vốn đăng ký của cả nước; tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của vùng đạt 9,7 tỉ đồng/DN. So với cùng kỳ năm 2017, số lượng DN mới gia nhập thị trường tăng 5,3% và tăng 22,8% về vốn đăng ký. Số DN quay trở lại hoạt động trong 4 tháng là 904 DN; số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 918 DN; số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 755 DN (giảm 30,4% so với cùng kỳ); số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 678 DN (giảm 4,2% so cùng kỳ)...

Chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những thế mạnh của DN vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm cá tra tại một DN ở TP Cần Thơ). Ảnh: MỸ HOA
Chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những thế mạnh của DN vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm cá tra tại một DN ở TP Cần Thơ). Ảnh: MỸ HOA

Từ đầu năm đến nay, phần lớn các địa phương vùng ĐBSCL đều có các chương trình xúc tiến đầu tư quy mô lớn, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các tập đoàn, DN lớn cả khối nội lẫn khối ngoại. Đồng thời các cuộc xúc tiến đầu tư đến các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Úc, Hoa Kỳ... cũng đạt kết quả khả quan với các cam kết, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được ký kết. Mới đây, cuộc gặp gỡ ĐBSCL- Nhật Bản quy mô cấp quốc gia, tổ chức tại TP Cần Thơ do Bộ Ngoại giao chủ trì là minh chứng về sự hấp dẫn của ĐBSCL trong hiện tại và tương lai.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ mong muốn được hợp tác với các địa phương ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo... Các địa phương cũng có dịp giới thiệu, quảng bá với các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh của mình và những dự án mang tính lan tỏa vùng để các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, một số dự án du lịch, đầu tư hạ tầng giao thông, logistics... có quy mô lớn tại vùng ĐBSCL cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và tìm hiểu.

Ngoài thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào vùng, các địa phương ĐBSCL cũng có nhiều chương trình hành động riêng để tạo sự bứt phá trong phát triển. Tất cả các chương trình hành động của chính quyền địa phương đều tập trung vào phương châm “đồng hành và chia sẻ cùng DN”, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng DN trước, trong và sau khi thành lập, đi vào hoạt động (về thị trường, kết nối vốn tín dụng, kết nối đầu tư...). Trong đó, các hoạt động khởi nghiệp từ các ý tưởng hay, táo bạo cũng đang tạo thành phong trào lớn mạnh tại ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, hoạt động startup ở ĐBSCL đang nổi lên trong thời gian gần đây. Các địa phương, VCCI Cần Thơ cũng đã và đang có nhiều hỗ trợ cho startup để họ trở thành những DN lớn mạnh tương lai. Cụ thể, VCCI đã thiết lập mạng lưới khởi nghiệp ở ĐBSCL và có thành viên là lãnh đạo các tỉnh, thành, các sở, ngành tham gia. Mạng lưới hoạt động từ cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, nối kết với các vườn ươm… đồng thời đã thành lập ban cố vấn quốc tế để hỗ trợ việc tìm kiếm từ ý tưởng khởi nghiệp. Song song đó, thành lập câu lạc bộ người dẫn dắt, gồm những chuyên gia để giúp các bạn trẻ về ý tưởng khởi nghiệp và gắn kết với các quỹ đầu tư để tìm nguồn tài chính cho họ. Những hoạt động này sẽ kéo dài đến 2020 và tầm nhìn mục tiêu đến 2025. Hiện tại, ngoài sự ủng hộ về tinh thần của các địa phương, VCCI Cần Thơ cũng nhận được ủng hộ về tài chính của các địa phương để thực hiện mục tiêu này.

Những chuyển động mới

Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, thì vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng có sự chuyển biến rõ nét. Các thủ tục về tài sản thế chấp, thẩm định tài sản, dự án, vay tín chấp của ngân hàng đã thông thoáng hơn. Các lĩnh vực ưu tiên đều được các nhà băng chú trọng cho vay. Đơn cử như tại TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 4-2018, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố đạt khoảng 71.400 tỉ đồng, tăng 0,94% so đầu tháng; nợ xấu là 1.400 tỉ đồng, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ, thanh khoản ngân hàng trong 4 tháng đầu năm tăng, vốn huy động của các TCTD đáp ứng được 96% nguồn vốn cho vay. Hầu hết dư nợ cho vay của các TCTD theo các chương trình tín dụng ưu tiên, như: cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thủy sản… đều tăng. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm thêm 0,5%/năm so với cuối năm 2017. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 7,0% - 9,0%/năm; trung, dài hạn từ 9,0% -11%/năm. Ngoài việc chỉ đạo các TCTD ưu tiên vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, NHNN chi nhánh còn chú trọng cùng các TCTD triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng và nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ.

Cùng đó, tự thân các DN cũng đang tự làm mới để tạo nên sự khác biệt. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: Từ đầu năm đến nay, CBA đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, với kiến thức chuyên sâu cho DN... Các diễn giả là những chuyên gia nhiều kinh nghiệm đã giới thiệu với DN Cần Thơ (chủ yếu là DN nhỏ) cần làm gì để kết nối kinh doanh và marketing như thế nào để “cá nhỏ” có thể vượt “cá to”. Trong thế giới của công nghiệp 4.0, các chuyên gia đã giúp DN nhận ra thách thức và cần thay đổi cách marketing, bán hàng để “giữ chân” khách hàng, phát triển khách hàng mới, cũng như duy trì, phát triển công việc kinh doanh, không lo cạnh tranh làm khó khi họ chỉ là DN nhỏ trong một thị trường lớn.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận cũng cho rằng, lãnh đạo TP Cần Thơ đang thực hiện khá tốt việc “Đồng hành DN là phương châm hành động”. Trong cách nhìn nhận và thái độ với DN có thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, chỉ một tầng lớp DN được tiếp nhận; còn đa số DN nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình vẫn khó tiếp cận với sự thông thoáng này. Và lãnh đạo thành phố cũng không có mặt tại bộ phận “một cửa” nên sự chuyển biến chưa được như mong đợi. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thực tế sự thay đổi của các địa phương vùng ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng mong đợi của nhiều DN, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của vùng đang hấp dẫn lên. Những hạn chế sẽ được tháo gỡ sớm để ĐBSCL phát triển như kỳ vọng.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết