03/09/2009 - 08:19

Kỳ vọng vào sự đổi mới

Năm học 2009-2010 đã bắt đầu trong sự kỳ vọng của dư luận xã hội đối với ngành giáo dục khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2009-2010 là: Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học.

Phương pháp giảng dạy là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Từ nhiều năm nay, đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục. Tuy nhiên, có lẽ đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo có một chỉ thị mạnh mẽ và cụ thể như thế về vấn đề này. Không chỉ hoạch định cụ thể công việc của từng giáo viên, từng trường, từng tỉnh, thành, chỉ thị của Bộ trưởng còn vạch rõ mốc thời gian: Trong vòng hai năm, bắt đầu từ năm học 2009-2010, chấm dứt tình trạng dạy học chủ yếu qua đọc- chép trong các trường THCS, THPT. Chính vì vậy, khi chỉ thị được ban hành, xã hội hy vọng sẽ có sự chuyển biến mới, tạo ra những thay đổi căn bản cho nền giáo dục Việt Nam.

Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, một thời gian dài, giáo dục Việt Nam đã quen với chuyện lên lớp thầy đọc cho trò chép. Ý kiến của giáo viên, của các chuyên gia là kim chỉ nam và học sinh, sinh viên không được phép đi lệch nếu muốn “an toàn”. Ngay cả với một môn học đòi hỏi sự cảm nhận mang nặng dấu ấn sáng tạo cá nhân như môn Văn nhưng vẫn có bài văn mẫu, học sinh, sinh viên không dám có ý kiến, cảm nhận trái với ý kiến và cảm nhận của giáo viên, của các nhà phê bình. Hệ quả là tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên thiếu năng động, sáng tạo. Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều đơn vị tuyển dụng lao động than phiền phần lớn những cử nhân, kỹ sư mới ra trường thiếu thực tế, không làm được việc, phải đào tạo lại...

Tất nhiên, dư luận xã hội cũng hiểu được rằng, để thay đổi phương pháp dạy học, chấm dứt tình trạng dạy học chủ yếu qua đọc- chép không phải là chuyện đơn giản, một ngày một buổi có thể thực hiện được chỉ với một mệnh lệnh hành chính. Mà đó phải là quá trình thay đổi sâu xa về mặt nhận thức, đầu tư thỏa đáng, tạo điều kiện để giáo viên có thể thay đổi phương pháp giảng dạy, học sinh có thể thay đổi phương pháp học tập. Đó là sự đầu tư về con người - tức đầu tư nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên; đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học. Sẽ không có những chuyển đổi mạnh mẽ từ lối dạy học truyền thống sang dạy học tích cực nếu không có sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của người thầy. Quá trình đổi mới sẽ khó khăn khi cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu thốn trang thiết bị.

Trước chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn không ít ý kiến từ phía giáo viên, nhà trường: liệu có thể đổi mới trong điều kiện trường lớp khó khăn? đổi mới như thế nào? bắt đầu từ đâu?... Những lo lắng, băn khoăn ấy là tất yếu. Tuy nhiên, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị có thể làm cho quá trình đổi mới khó khăn chứ không phải là không thể đổi mới. Không phải cứ được trang bị đầy đủ máy vi tính, máy chiếu qua đầu, cứ ứng dụng công nghệ thông tin... là đã đổi mới phương pháp giảng dạy. Bởi linh hồn của đổi mới là giáo viên chứ không phải máy móc. Thực tế, đã có trường hợp giáo viên sa đà vào những hình ảnh minh họa cho bài học được sưu tầm từ mạng Internet, vừa mất thời gian, vừa không tập trung vào nội dung chính của bài giảng. Có giáo viên lạm dụng máy chiếu nên đổi mới dạy học chỉ là chuyển từ đọc- chép sang nhìn- chép.

Chính vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học phải xuất phát từ giáo viên. Trước hết, giáo viên phải có tâm huyết và khao khát đổi mới. Sự tâm huyết và khao khát sẽ thúc đẩy giáo viên học tập, nâng cao trình độ, khắc phục những khó khăn để đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng cũng không thể duy ý chí để cho rằng chỉ cần sự tâm huyết, khao khát đổi mới của giáo viên là đủ. Đó chỉ là những đốm lửa mà để thổi bùng lên, cần phải có sự xúc tác của các yếu tố khác: nâng cao đời sống giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên học tập- trao đổi kinh nghiệm, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới... Môi trường thuận lợi cho sự đổi mới là yếu tố rất quan trọng. Tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới chính là hướng dẫn cho giáo viên đổi mới như thế nào, khuyến khích giáo viên giảng dạy theo phương pháp mới, vinh danh những giáo viên năng động, sáng tạo trong giảng dạy... Trong những tiêu chí để xét công nhận giáo viên giỏi các cấp nên đề cao tiêu chí đổi mới phương pháp giảng dạy. Tiêu chí này không phải chỉ được đánh giá qua một vài tiết dạy mẫu để chấm điểm mà phải được đánh giá một cách trung thực, thẳng thắn bởi đồng nghiệp, bởi học sinh.

Quá trình đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào cũng là quá trình đầy khó khăn, thách thức bởi lực cản từ sức ỳ tâm lý, từ những thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội. Đổi mới phương pháp giảng dạy, căn bản chấm dứt dạy học theo kiểu đọc- chép cũng sẽ là một quá trình lâu dài và khó khăn. Đổi mới phải xuất phát từ giáo viên nhưng xóa cản ngại, thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới chính là trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục, của các cấp ủy Đảng, chính quyền.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết