17/04/2018 - 22:21

Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”

Kỳ vọng thúc đẩy hợp tác 

Hôm nay, ngày 18-4-2018, tại TP Cần Thơ, diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL”. Trong 2 ngày (18 và 19),  khoảng 650 đại biểu tham dự, trong đó có 164 đại biểu Nhật Bản sẽ tập trung trao đổi các biện pháp kết nối và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: nông nghiệp, giao thông, biến đổi khí hậu, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, y tế, văn hóa, du lịch. Cùng đó là các cuộc gặp gỡ bên lề giữa các địa phương, doanh nghiệp Cần Thơ, ĐBSCL và Nhật Bản... 

TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm Vùng

“Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” là hội nghị cấp vùng do Bộ Ngoại giao chủ trì. Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư của các địa phương khu vực ĐBSCL với các đối tác Nhật Bản. Hội nghị gặp gỡ nhằm kết nối phát huy vai trò là trung tâm khu vực ĐBSCL, nâng cao vị thế của TP Cần Thơ trước đối tác Nhật Bản. TP Cần Thơ với vai trò chủ nhà, sẽ phát huy vai trò là trung tâm ĐBSCL, nâng cao vị thế, đồng thời, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế và du lịch của thành phố, thu hút đầu tư từ các đối tác Nhật Bản...

Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh, TP Cần Thơ  có hệ thống cảng sông, được Chính phủ chọn là trung tâm logistics của vùng ĐBSCL, cảng hàng không quốc tế, trung tâm thương mại, giáo dục, y tế phát triển nhất vùng ĐBSCL. Đó là những điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư cho TP Cần Thơ. Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” là sự kiện lớn. Với vai trò chủ nhà, đây sẽ là cơ hội tốt để TP Cần Thơ tạo ấn tượng với nhà đầu tư Nhật Bản. Do đó, các bài tham luận cũng như các đề mục dự án giới thiệu hợp tác đầu tư được thành phố tập trung đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và đặc biệt phù hợp với nhu cầu của thị trường Nhật Bản. Hội nghị gặp gỡ lần này cũng được xem là tiền đề để kỳ vọng có được những kết quả tốt đẹp, thu hút đông nhà đầu tư Nhật Bản, một trong những đối tác trọng điểm của thành phố, đến với hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ (dự kiến tổ chức tháng 8-2018).

Kết nối

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Địa phương, Hỗ trợ quảng bá và kết nối địa phương với các đối tác quốc tế, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, cho biết: Việc Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” bên cạnh kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại Việt Nam - Nhật Bản,  còn nhằm tạo sân chơi, cơ hội  tốt để vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng giao lưu thúc đẩy thu hút hợp tác đối tác chiến lược Nhật Bản. Với những nỗ lực, ĐBSCL nay đã trở thành khu vực năng động, nhiều tiềm năng phát triển đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm đến, trong đó có Nhật Bản. Nhưng thực tế, sự hiện diện của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản tại đây còn ít hơn so với nhiều khu vực khác, các nhà đầu tư Nhật Bản phần lớn tập trung đầu tư tại TP Cần Thơ. Hy vọng, qua hội nghị này nhà đầu tư Nhật Bản hiểu hơn về ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng để có định hướng phát triển kinh doanh tại vùng đất này. Chọn TP Cần Thơ là đơn vị chủ nhà cũng là nhằm mục đích để Cần thơ chứng minh sau bao nhiêu năm đổi mới, Cần Thơ đã định vị là trung tâm của vùng. Thành phố đã xây dựng được mạng lưới kết nối thuận lợi giao thông đến các tỉnh thành trong cả nước và các tỉnh lân cận. Cùng với chính sách cải thiện dân sinh, chính quyền thân thiện, người dân tại đây sẵn sàng mở cửa chào đón các nhà đầu tư, nhà tài trợ đến từ Nhật Bản. 

Lợi thế nổi trội của TP Cần Thơ đang được phát huy là vị trí địa lý và chiến lược phát triển thành phố đã và đang được chính quyền quyết tâm thực hiện. Từ Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TP Cần Thơ tập trung phát triển các dự án trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông; nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ chế biến nông, thủy sản; du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch; các ngành công nghiệp phụ trợ...  khẳng định vai trò là trung tâm, giữ vai trò quan trọng cả về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, là động lực phát triển của Vùng.

Theo chương trình tổng thể, trong 2 ngày, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác phát triển trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo và biến đổi khí hậu (chủ yếu về ODA); hợp tác địa phương về lĩnh vực văn hóa, du lịch và lao động; hợp tác kinh tế đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp (hợp tác đầu tư: sản xuất nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp). Cụ thể, phiên 1: Hợp tác phát triển trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, y tế biến đổi khí hậu. Phiên 2: Hợp tác địa phương trong lĩnh vực giao lưu văn hóa - du lịch; giáo dục - đào tạo- hợp tác nguồn nhân lực. Phiên 3: Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (hợp tác đầu tư: sản xuất nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp). Ngoài ra, hội nghị còn có các hoạt động bên lề như: hội đàm giữa các địa phương khu vực ĐBSCL và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; tham quan các điểm du lịch; thực địa các khu công nghiệp, dự án đang kêu gọi đầu tư, các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại TP Cần Thơ...

KHÁNH NAM

Khai trương Trung tâm Đổi mới ICT và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo ĐBSCL

(CT)- Ngày 17-4-2018, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ khai trương Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo ĐBSCL, hợp tác với Tập đoàn  Brainworks (Nhật Bản) ra mắt Trung tâm Đổi mới ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Trụ sở 2 trung tâm đặt tại số 8 đường Ngô Hữu Hạnh, phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Các đại biểu cắt băng khánh thành tại buổi lễ khai trương. Ảnh: N.H
Các đại biểu cắt băng khánh thành tại buổi lễ khai trương. Ảnh: N.H

Trung tâm Đổi mới ICT là tổ chức mang tính thiện nguyện, nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển về đổi mới và ứng dụng công nghệ ICT tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Đây còn là nơi kết nối với các cơ quan, tổ chức trường đại học... để phát triển, ứng dụng ICT và những kỹ thuật tiên tiến nhất, đóng góp vào sự sáng tạo kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực ĐBSCL. Giai đoạn đầu thành lập, Trung tâm là nơi làm việc của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản cùng với sự hợp tác của gần 15 doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực: tái chế, môi trường, nhiên liệu sinh học, giáo dục, ICT, y tế, thiết kế xây dựng, vật liệu mới, chế biến thực phẩm... Giám đốc Trung tâm là giáo sư Yoshiyuki Kawazoe, Đại học Tohoku. Trong tương lai gần, Trung tâm sẽ tăng cường vai trò dẫn dắt và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra những doanh nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo cho TP Cần Thơ và ĐBSCL.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI (bìa trái) tặng hoa cảm ơn lãnh đạo TP Cần Thơ và các đơn vị hợp tác hình thành 2 trung tâm. Ảnh: N.H
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI (bìa trái) tặng hoa cảm ơn lãnh đạo TP Cần Thơ và các đơn vị hợp tác hình thành 2 trung tâm. Ảnh: N.H

 

Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo ĐBSCL thuộc mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup Networking – MSN) do VCCI Cần Thơ khởi xướng và thành lập từ Chương trình khởi nghiệp của VCCI Cần Thơ bắt đầu tư năm 2016. Trung tâm được hình thành với mục đích là nơi trao đổi, hướng dẫn xây dựng các ý tưởng mới, đặc biệt những sáng tạo về công nghệ, kỹ thuật để hướng đến ươm tạo và hình thành các công ty phát triển công nghệ trong tương lai. Điều hành Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo là VCCI Cần Thơ với sự tham gia tư vấn của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế (Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan...). Giai đoạn đầu thành lập, trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động trao đổi chuyên gia, tư vấn xây dựng chính sách khởi nghiệp cho địa phương, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp... Giai đoạn từ 2019, sẽ hình thành vườn ươm chuyên về ICT, đầu tư phát triển dự án kinh doanh công nghệ, Quỹ đầu tư khởi nghiệp và là nơi giới thiệu triển lãm về công nghệ, kỹ thuật mới.

N.H

 

Chia sẻ bài viết