22/04/2010 - 20:40

Kỳ vọng gì ở Festival Thủy sản Việt Nam 2010?

TP Cần Thơ đã khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị sẵn sàng cho Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010. Ảnh: T. LONG

Từ ngày 24 đến 27-4-2010, lần đầu tiên Festival Thủy sản Việt Nam được tổ chức tại TP Cần Thơ. Với chủ đề “Thủy sản Việt Nam: Tiềm năng - Hội nhập và Phát triển”, Festival Thủy sản Việt Nam 2010 kỳ vọng đem đến những giá trị hữu ích, góp phần phát triển thủy sản Việt Nam trong tương lai.

* ÔNG LƯƠNG LÊ PHƯƠNG, THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN:

XÂY DỰNG CÁC GIẢI THƯỞNG NGÀNH THỦY SẢN MANG TÍNH TRUYỀN THỐNG, TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU RIÊNG

Thay mặt Bộ NN&PTNT, tôi hoan nghênh UBND TP Cần Thơ tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010. Đây là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt của ngành thủy sản Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL. Thành ủy và UBND TP Cần Thơ đã có sự quan tâm đến sự kiện này và có sự chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị chu đáo, cũng như có sự phối hợp với các bộ, ngành trung ương để tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I đạt được mục đích yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các phần xét tặng các giải thưởng nhằm tôn vinh, biểu dương các cá nhân, tập thể, đề nghị Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức Festival Thủy sản chú ý tập trung xây dựng giải thưởng này có tính truyền thống, trở thành thương hiệu riêng, không trùng lắp với bất kỳ một giải thưởng nào khác của ngành thủy sản, của nhà nước từ trước đến nay. Điều quan trọng nhất duy trì giải thưởng này là cần tìm ra được những cá nhân, tập thể xứng đáng nhất có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, quyết tâm đưa danh hiệu khen thưởng của Festival trở thành một danh hiệu, một thương hiệu mạnh, có uy tín để các cá nhân, doanh nghiệp phấn đấu đạt được trong quá trình phát triển các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

* ÔNG PHẠM VĂN QUỲNH, GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TP CẦN THƠ:

MỞ RỘNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT, LIÊN KẾT VÙNG, PHÁT HUY TIỀM NĂNG VÀ SỰ HỘI NHẬP CỦA THỦY SẢN ĐỒNG BẰNG

Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của TP Cần Thơ đạt gần 413 triệu USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố. Trên địa bàn thành phố hiện có 30 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 22 nhà máy trực tiếp gia công hoặc chế biến cá tra.

Tham gia Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cùng với các địa phương, các doanh nghiệp thể hiện thật tốt những ưu thế, tiềm năng của ngành thủy sản TP Cần Thơ với những định hướng và những giải pháp, có mục tiêu phát triển rõ ràng. Thứ nhất, khẳng định mục tiêu phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững. Thứ hai, khẳng định điều kiện cần cho ngành thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng phát triển ổn định. Đó là phải thực hiện tốt vai trò tổ chức sản xuất theo vùng (đối với nông dân), liên kết giữa vùng nuôi và nhà máy chế biến (liên kết sản xuất và tiêu thụ) và mối liên kết giữa nhà máy với thị trường (thương hiệu). Toàn bộ mối liên kết này cũng được đặt ra trong mối liên kết vùng giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tóm lại, ngành thủy sản TP Cần Thơ sẽ tổ chức trưng bày và trao đổi thông tin hướng đến mục tiêu mở rộng liên kết sản xuất, liên kết vùng nhằm phát huy tốt tiềm năng và sự hội nhập của thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long vào thị trường thế giới.

* ÔNG NGUYỄN THÔNG NHẬN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH CÀ MAU:

KHÔNG CHỈ CÓ CON TÔM, CON CUA LÀ THẾ MẠNH

Con tôm sú sinh thái và con cua gạch son là hai sản vật có tiếng của tỉnh Cà Mau. Tại Festival Thủy sản lần thứ I năm 2010, hai mặt hàng này sẽ khẳng định sự nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Ngoài tôm, cua, tại Festival Thủy sản lần này, chúng tôi còn trưng bày nhiều mẫu sản vật, sản phẩm khác cũng là những thế mạnh hiện tại và tiềm năng của tỉnh. Đó là con tôm sú bố, mẹ, các loại sò,vộp, ốc, nghêu, hàu, cá chình, cá bống tượng, các loài cá đồng, cá biển... Tất cả có đến vài chục loài khác nhau mà tỉnh Cà Mau đang và sẽ có với sản lượng lớn, đủ sức ký những hợp đồng tiêu thụ lớn. Hiện tôm sú bố mẹ là mặt hàng được nhiều tỉnh trong cả nước ưa chuộng vì chất lượng cao và sản lượng lớn. Đối với con nghêu, chúng tôi có trên 1.000 ha có thể nuôi theo mô hình an toàn, năng suất cao. Năm nay, chúng tôi đang tiến hành nuôi 400 ha, ước sản lượng khi thu hoạch sẽ là 10.000 tấn. Chúng tôi hiện có 1.500 ha diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng cao nhất nước. Chúng tôi còn có thế mạnh về chả cá, bột cá, các sản phẩm từ nghề khai thác biển... Ngoài ra, các mô hình đặc trưng sinh thái hai hệ rừng ngập mặn và ngập lợ sẽ được trưng bày để mọi người thấy rõ thêm sự trù phú, phì nhiêu của vùng đất Cà Mau. Từ đó, họ sẽ nhận ra những tiềm năng to lớn của tỉnh về nuôi trồng thủy hải sản.

Chúng tôi kỳ vọng sau Festival Thủy sản lần I năm 2010, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về Cà Mau, về sự đa dạng, phong phú về sản vật thủy hải sản.

* ÔNG VÕ HỒNG NGOÃN, NGƯỜI NUÔI TÔM SÚ Ở ẤP BIỂN ĐÔNG A, XÃ VĨNH TRẠCH ĐÔNG, THỊ XÃ BẠC LIÊU, TỈNH BẠC LIÊU:

CHẤT LƯỢNG NUÔI THỦY SẢN LÀ VẤN ĐỀ HÀNG ĐẦU

Trước tiên, tôi khẳng định rất đồng tình và ủng hộ việc có được một ngày lễ hội của ngành thủy sản cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Bởi lẽ, đây là thể hiện một cách làm mới, thể hiện quyền lợi chung của cả cộng đồng. Đặc biệt, trong cách làm này, ngư dân, người nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản cùng được tôn trọng, cùng có quyền lợi ngang nhau và lần đầu tiên được chú ý, được tôn vinh trong một lễ hội có quy mô lớn.

Có thể nói, ngày nay, không riêng gì ngành thủy sản, sản phẩm hàng hóa toàn cầu đang đặt nặng vấn đề về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. So với các đối tượng khác, con tôm sú đã và đang chịu nhiều áp lực về vấn đề này. Vì thế, qua Festival Thủy sản lần đầu tiên này, tôi mong rằng các ngành hữu quan, nông dân, ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước cần quan tâm và nhân rộng đến các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, đối với con tôm sú, cần phải thả nuôi mật độ thưa, vừa vốn ít, vừa hạn chế được dịch bệnh, hạn chế việc dùng thuốc kháng sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình mà trang trại nuôi tôm Sáu Ngoãn ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu áp dụng từ nhiều năm nay. Đây cũng là mô hình đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học- Công nghệ cấp chứng nhận “Tôm sú sạch Sáu Ngoãn Việt Nam”.

Nhóm PV - CTV

Chia sẻ bài viết