25/04/2015 - 21:32

Ký ức một con đường

Bút ký * Nhật Hồng

Có một con đường đã mang trong mình những dấu ấn lịch sử đặc biệt của đất và người Cần Thơ. Đó là tỉnh lộ 922 từ Ô Môn đi Thới Lai, Cờ Đỏ.

Từ trung tâm TP Cần Thơ theo quốc lộ 91 về quận Ô Môn, qua công viên Châu Văn Liêm rẽ trái là vào đường tỉnh 922 - con đường đầu mối vào vùng đất nông nghiệp bạt ngàn giáp với tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang. Từ đây đến huyện Thới Lai 9 km, đến huyện Cờ Đỏ 14 km. Với người Cần Thơ, chuyện về con đường này không chỉ có giao thông hay địa lý.

Đường tỉnh 922 từng là mạch máu lưu thông của thực dân Pháp. Lúc khai mở vào cuối thế kỷ XIX, đường được trải đá, là tuyến huyết mạch phục vụ cho việc khai thác tiềm năng nông nghiệp và vận chuyển tài nguyên bản xứ. Con đường này hình thành gắn liền với quá trình người Pháp múc những kinh xáng: Xà No, Bà Đầm, Thị Đội, đào Kinh Đứng… thọc sâu vào vùng đất rộng mênh mông giáp với U Minh, Rạch Giá, hình thành các đồn điền lớn trên địa phận Cần Thơ, như: đồn điền Bảy Ngàn, đồn điền Cờ Đỏ, đồn điền Phụng Hiệp- Kế Sách. Những đồn điền này lớn mạnh cũng chia hai tầng lớp rõ rệt trong xã hội: chủ điền và nông nô. Đời sống người dân lúc bấy giờ vô cùng cơ cực bởi giá cả đắt đỏ: lúa 1 cắc 1 giạ, dầu lửa trắng 4 cắc 1 lít, vải 3 cắc 1 mét (những năm 1929- 1933). Thêm vào đó, những chính sách vơ vét thuộc địa khiến người dân sống dưới ách áp bức, bóc lộc càng thêm cùng khổ.

Đường vào huyện Thới Lai. Ảnh: NHẬT HỒNG

Cuộc sống của người dân ở đồn điền Cờ Đỏ cũng mang nỗi cơ cực, cay đắng chung của những thân phận mất nước. Những mâu thuẫn sâu sắc giữa tá điền với chủ điền Tây, các phong trào đấu tranh của tá điền ở đồn điền ngày càng mạnh và lan rộng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng để đưa phong trào đấu tranh của quần chúng đạt hiệu quả cao hơn. Vì vậy, đêm 10-11-1929, tại một căn chòi của đồn điền Cờ Đỏ, đồng chí Hà Huy Giáp- Ủy viên Ban Chấp hành Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang- được Đặc ủy phân công về Ô Môn phối hợp cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi thành lập Chi bộ, do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư. Từ đó, con đường Ô Môn- Thới Lai ghi dấu những sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Cần Thơ.

Sáng 28-5-1930, dưới sự lãnh đạo của cách mạng, những người nông dân nghèo khổ phiêu bạt làm thuê, làm mướn từ các nơi: Thới Đông, Thới Lai, Thới Thạnh... tụ tập ở chợ Thới Lai càng lúc càng thêm đông, hàng ngũ chỉnh tề, giương cao khẩu hiệu, tay cầm cờ đỏ búa liềm. Đi đầu là chị Mao Thị Song (Chín Song), mọi người vừa đi vừa hô to: "Miễn thuế, hoãn nợ, chống phạt vạ vô lý, chống đàn áp khủng bố, thả những người bị bắt trong hai cuộc biểu tình ở Cao Lãnh, Chợ Mới". Đoàn người đầu trần chân trần giẫm đạp lên đá lồi lõm tiến ra quận Ô Môn. Trên đường đi đã có sẵn những thúng giạ bánh tét, bánh lá dừa, nước uống để trong lu dọc theo hai bên đường. Đoàn người di chuyển, qui tụ càng lúc càng đông, sức mạnh và ý chí càng lúc càng dâng cao. Đến 10 giờ, đến ngã ba lộ tẻ, cách dinh quận 500 mét, đoàn người lên đến hơn 3.000 người. Tên Quận trưởng thời bấy giờ thất kinh hồn vía, cấp báo về trên, không dám ló mặt ra, nhưng bí mật ra lệnh cho lính mã tà bắt bớ và đàn áp. Quá trưa, cuộc biểu tình vẫn giữ vững đội ngũ. Sau đó, nhận thấy cuộc biểu tình đã đạt yêu cầu nên những người biểu tình giải tán. Âm vang của cuộc biểu tình là tiền đề để những Chi bộ khác được thành lập ở vùng Ô Môn, lãnh đạo và tập hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 của Cần Thơ.

Vào thời Ngô Đình Diệm, con đường Thới Lai- Ô Môn oằn đau dưới bánh xe của bọn mật thám, cảnh sát ác ôn. Những người dân đấu tranh chống áp bức bị trói thúc ké tống lên xe bít bùng, vài hôm sau bị bịt mắt, đưa trở về kèm theo tiếng súng oan nghiệt. Những sự việc như vậy thường xuyên diễn ra trên con đường lộ đá ngắn ngủi này. Đồng chí Trần Văn Đến- Huyện Ủy viên huyện Ô Môn, quê ở Thới Thạnh cũng bị chúng sát hại trên con đường này. Đến cao điểm "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, con đường bị giặc xây dựng thành một hệ thống đồn bót nhằm ngăn chặn, đàn áp quân dân ta. Chỉ vỏn vẹn có 9 cây số mà chúng đóng chốt trên 6 đồn bót lớn nhỏ: đồn Tắc Cà Đi, đồn ấp Thới Khánh, đồn Vàm Nhon, đồn ấp Thới Bình B, Rạch Tra, Rạch Điều. Con đường lộ đá bỗng trở thành vành đai quân sự giặc dùng để chuyển khí tài phục vụ chiến tranh, vừa để trấn giữ vị trí mà chúng cho là hiểm yếu bởi tiếp giáp với những vùng căn cứ lớn của cách mạng. Còn ta, với lực lượng du kích và lực lượng vũ trang, đã không ngại hy sinh gian khổ làm tê liệt, vô hiệu hóa hệ thống đồn bót của giặc, từng bước dẫn đến đại thắng mùa xuân 1975. Trên con đường lộ đá này, đồng chí Huỳnh Long Thạnh (Bé Hai)- Huyện ủy viên, Bí thư xã Thới Thạnh cùng nhân dân tiến đánh, chiếm cơ quan đầu não giặc tại quận Ô Môn.

Chiến tranh đã tàn phá con đường. Sau ngày đại thắng mùa xuân năm 1975, có những đoạn của con đường bị nước cuốn đi như đoạn ngang Rạch Bà Keo. Năm 1976, con lộ mới được những người nông dân ở đây đào đắp, cũng với độ dài 9km, từ Ô Môn đến Thới Lai. Vào năm 1997, đường được trải nhựa và mang tên tỉnh lộ 922. Rồi từ đó, những "cánh tay vươn dài" lần lượt nối vào xã Trường Xuân (Bà Đầm) qua kinh Ranh xuống Vị Thanh, ngược lên kinh Đứng- Cờ Đỏ, mở ra hệ thống giao thông cực kỳ quan trọng, đánh thức một vùng đất màu mỡ rộng lớn. Dọc con đường là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, chợ… mọc lên ngày càng nhiều, đánh dấu sự phát triển không ngừng về kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.

Bây giờ, con đường Ô Môn- Thới Lai vẫn lưu lại những dấu ấn lịch sử xưa, nhất là "Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ" được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào ngày 31-10-2013. Từ khi vùng Ô Môn rộng lớn được chia tách thành quận Ô Môn, huyện Thới Lai, nối liền huyện Cờ Đỏ, con đường như chiếc đòn gánh hai đầu quận, huyện. Và người dân nơi đây đi lại hằng ngày trên đường tỉnh 922 vẫn nhớ, chính bằng con đường này, các đồng chí Châu Văn Liêm, Lê Văn Sô, Hà Huy Giáp, Trần Văn Hoài... đã ngược xuôi gầy dựng phong trào cách mạng từ những ngày dân ta còn chìm trong ách thực dân.


Tài liệu tham khảo:
-Địa chí Cần Thơ (2002)
-Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cần Thơ.
-Lịch sử Đảng bộ Ô Môn.
-Bài báo lễ đón nhận "Anh hùng lực lượng vũ trang xã Thới Thạnh 1998".

Chia sẻ bài viết