25/06/2013 - 22:12

Kỹ thuật mới giúp thụ tinh trong ống nghiệm an toàn hơn

Bé Heath hơn 8 tuần tuổi với anh trai Lochlann.
Ảnh: Daily Mail

Trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nội tiết ở San Francisco, California (Mỹ), các nhà khoa học Anh tuyên bố kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới của họ sử dụng nội tiết tố tự nhiên Kisspeptin an toàn hơn phương pháp IVF hiện hành và thành quả chính là sự ra đời của một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh.

Rủi ro thường gặp của thụ tinh nhân tạo

Ở quá trình thụ thai bình thường, cơ thể người phụ nữ gia tăng sản sinh loại hoóc-môn luteinizing (LH), kích thích trứng chín và rụng. Trong trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm, buồng trứng của người phụ nữ sẽ được tiêm nội tiết tố HCG có chức năng tương tự LH để bắt chước quá trình kích thích trứng chín và rụng. Tuy nhiên, cứ khoảng 100 phụ nữ áp dụng thụ tinh ống nghiệm bằng cách tiêm HCG thì sẽ có một người mắc hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS). Khi đó, buồng trứng sẽ sản xuất trứng nhiều bất thường và phản ứng thái quá đối với các loại thuốc kích thích khả năng sinh sản. Điều này có thể đe dọa đến tính mạng bởi tình trạng rò rỉ chất lưu ra các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến hình thành các cục máu đông. Nguy cơ này đặc biệt cao ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh).

Theo các chuyên gia, nếu OHSS ở mức độ nhẹ, thai phụ có thể trở lại trạng thái bình thường sau một số triệu chứng nhẹ như đau vùng bụng (nhưng không bớt dù đã uống thuốc giảm đau), buồn nôn, ói mửa nhiều, lên ký và có cảm giác sình bụng, hụt hơi, khát nước, nhưng nếu nặng sẽ phát sinh biến chứng có thể dẫn đến tử vong. Đó là lý do lâu nay các bác sĩ vẫn luôn tìm kiếm những dấu hiệu cảnh báo của OHSS và theo dõi chặt chẽ sức khỏe của những người sử dụng IVF.

Hy vọng mới cho phụ nữ hiếm muộn

Các nhà khoa học Anh cho biết sử dụng hoóc-môn sản sinh tự nhiên trong cơ thể Kisspeptin để thay thế nội tiết tố HCG có thể đảm bảo an toàn và giảm rủi ro cho các bà mẹ.

Để đi đến kết luận trên, Giáo sư Waljit Dhillo thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn và Giám đốc Viện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Hammersmith - Tiến sĩ Geoffrey Trew, đã tiến hành thử nghiệm hoóc-môn Kisspeptin trên 30 phụ nữ muốn sinh con bằng phương pháp IVF. Các kết quả ban đầu cho thấy, Kisspeptin đã có tác dụng đối với 29/30 người, khi nó kích thích quá trình sản xuất trứng bình thường nhưng nhẹ nhàng, tự nhiên hơn, và 28 người trong số này có thể dùng trứng của mình để tiến hành thụ tinh nhân tạo.

Thành công của phương pháp mới được đánh dấu bằng sự ra đời của Heath – em bé đầu tiên trên thế giới chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm “an toàn hơn”. Bé Heath, cân nặng 3,4kg khi chào đời hồi tháng 4, là con trai thứ hai của chị Suzie Kidd (34 tuổi) ở hạt Hertfordshire. Trước đó, con trai đầu lòng của chị là bé Lochlann (hiện 2 tuổi) được sinh ra bằng phương pháp IVF cũ.

Tiến sĩ Trew cho biết, ông hết sức vui mừng với thành quả mà nhóm nghiên cứu đạt được. “Mỗi năm ở Anh có hàng ngàn cặp vợ chồng áp dụng điều trị bằng IVF và nếu chúng ta có thể hướng tới sử dụng hoóc-môn tự nhiên Kisspeptin để loại trừ nguy cơ OHSS, nó sẽ mang lại nhiều hy vọng cho phụ nữ cũng như đảm bảo tính an toàn trong điều trị”. Theo Giáo sư Richard Fleming thuộc Trung tâm Sinh sản Y khoa Glasgow, những nghiên cứu như trên là rất cần thiết để giảm thiểu mức độ nguy hiểm của IVF trong suốt 30 năm qua, nhưng các chuyên gia vẫn cần nghiên cứu sâu hơn nữa kỹ thuật mới trước khi chính thức đưa ra khuyến cáo sử dụng rộng rãi.

Các chuyên gia hy vọng, việc sử dụng nội tiết tố Kisspeptin trong điều trị hiếm muộn có thể được phổ biến rộng rãi trong ít nhất 2 năm nữa.

VI VI (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết