05/10/2017 - 20:49

Kỹ thuật mới giúp điều trị trầm cảm kháng trị 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 350 triệu người trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh trầm cảm, với gần 30% trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị hiện có như thuốc chống trầm cảm, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp choáng điện (ECT) – gọi là kháng trị. Tin vui là gần đây, các nhà khoa học Mỹ cho biết liệu pháp kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) cho thấy hiệu quả đối với những ca trầm cảm kháng trị.

Kích thích dây thần kinh phế vị xung điện có thể cải thiện trường hợp trầm cảm kháng trị.  Ảnh: thedebrief

Kích thích dây thần kinh phế vị hay dây thần kinh số 10 vốn được dùng để điều trị chứng động kinh. Đối với bệnh nhân trầm cảm, bác sĩ trước tiên cấy một thiết bị nhỏ hoạt động bằng pin vào vùng ngực bên trái. Thiết bị này bao gồm điện cực kích thích dây thần kinh phế vị dưới cổ và dây dẫn nối với máy phát xung điện. Toàn bộ quá trình cấy ghép mất khoảng một giờ và không nguy hiểm cho bệnh nhân. Khi hoạt động, thiết bị phát ra xung điện cực thấp truyền qua dây thần kinh phế vị nhằm kích thích vùng đồi thị và vùng dưới đồi nằm sâu trong não vốn có ảnh hưởng đến tâm trạng. Việc truyền xung điện xảy ra theo chu kỳ 30 phút/lần, nhưng bác sĩ có thể sử dụng chùm tia hồng ngoại tác động đến thiết bị để điều chỉnh quá trình này.

Trong thử nghiệm tại Mỹ, Tiến sĩ Stephen O’Connor thuộc công ty Cyberonics phát triển thiết bị, cho biết phương pháp mới giúp cải thiện đáng kể tâm trạng của các trường hợp trầm cảm kháng trị. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể xuất hiện vài tác dụng phụ bao gồm khó thở, đau ngực và ho. Hiện tại, Bệnh viện Beaumont ở Dublin (Ireland) đang xem xét áp dụng phương pháp này vào cuối năm nay. Các nhà khoa học hy vọng kích thích trực tiếp dây thần kinh phế vị có thể mở ra công nghệ cấy ghép đơn giản, an toàn và điều trị hiệu quả trường hợp trầm cảm kháng trị.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Daily Mail) 

Chia sẻ bài viết