27/10/2009 - 10:35

Kurash - môn võ mới tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á

Các trận đấu kurash diễn ra hấp dẫn.
Ảnh: Uza.uz

Tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 (AIG III) được tổ chức tại Việt Nam sắp tới, kurash - môn võ cổ truyền của Uzbekistan - sẽ được đưa vào thi đấu tại Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội) từ 1-4/11. Các võ sĩ sẽ tranh 8 bộ huy chương, 5 bộ dành cho nam và 3 bộ dành cho nữ.

Kurash là môn vật truyền thống của người Uzbekistan, ra đời cách đây khoảng 3.500 năm. Từ kurash trong tiếng Uzbekistan mang ý nghĩa chiến đấu. Sử thi Apomish 1.000 năm trước ở Uzbekistan miêu tả kurash là môn thể thao được yêu thích và tôn trọng nhất ở nước này. Nhà tư tưởng, nhà khoa học lỗi lạc Avicenne (980-1037) của Uzbekistan từng đánh giá kurash là một trong những phương tiện giữ sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hàng đầu.

Đòn thế và luật thi đấu của Kurash tương đối giống judo và vật, nhưng ít nguy hiểm hơn. Một võ sĩ giành chiến thắng nếu làm cho đối phương mất thăng bằng với việc dùng tay tác động từ thắt lưng đối thủ trở lên. Khi một võ sĩ chạm đầu gối xuống đất thì trọng tài cho dừng trận đấu, hai võ sĩ trở lại tư thế ban đầu để đấu tiếp. Những tác động từ thắt lưng đối thủ trở xuống bị phạt, những kỹ thuật nguy hiểm khiến đối phương bị ngạt cũng bị cấm...Với những quy định đó, kurash là môn võ ít xảy ra chấn thương. Trang phục của các võ sĩ gồm hai màu xanh lá cây và xanh da trời - dễ phân biệt khi thi đấu.

Hiện nay, ở Uzbekistan, khoảng 2 triệu người ham mê, tập luyện kurash. Các thế hệ con, cháu được cha mẹ, ông bà tiếp tục truyền niềm đam mê kurash. Từ năm 1991, Chính phủ Uzbekistan thúc đẩy đưa kurash trở thành môn thể thao quốc tế. Nhiều giải đấu kurash đã được tổ chức quy mô, thu hút hàng ngàn người tham gia trong nước. Uzbekistan tích cực giới thiệu về môn võ dân tộc này ở các diễn đàn thể thao ở Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nga...Năm 1998, giải đấu kurash quốc tế lần đầu tiên được tổ chức trong sân vận động Djar ở trung tâm Thủ đô Tachket (Uzbekistan), có VĐV đến từ 30 nước tham dự, sân vận động 30.000 chỗ ngồi luôn chật kín và hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình. Sau đó, Liên đoàn kurash quốc tế (AIK) được thành lập, các giải vô địch kurash thế giới được tổ chức thường niên...Năm 2003, kurash đã được đưa vào thi đấu chính thức ở Á vận hội. Hiện nay, Liên đoàn kurash quốc tế có hơn 70 liên đoàn thành viên ở châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương.

Uzbekistan đang phấn đấu để kurash phát triển mạnh hơn nữa, nhắm tới cái đích lớn nhất: được thi đấu ở đấu trường Olympic.

TUẤN NGHĨA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết