01/08/2008 - 22:48

Tiến sĩ Phùng Thị Nguyệt Hồng- Điều phối viên dự án “Kết hợp cải cách giáo dục với phát triển cộng đồng ở ĐBSCL”:

KUA - phương pháp dạy học mới giúp học sinh hiểu và ứng dụng vào thực tế

Dự án “Kết hợp cải cách giáo dục với phát triển cộng đồng ở ĐBSCL” do Trường Đại học Cần Thơ kết hợp với Trường Đại học Michigan State (MSU) triển khai thực hiện tại Cần Thơ và Hậu Giang. Hơn 6 năm qua, dự án đã xây dựng được hệ thống hỗ trợ để đổi mới phương pháp giảng dạy trong trường học. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với bà Phùng Thị Nguyệt Hồng, điều phối viên của dự án, tiến sĩ Khoa học Giáo dục của MSU về vấn đề trên. Mở đầu cuộc trao đổi, bà cho biết:

 

- Theo cách dạy học truyền thống, giao tiếp giữa thầy và trò rất ít. Giáo viên nói rất nhiều và học sinh vào lớp ngồi yên nghe thầy giảng là chính. Do vậy, học sinh rất thụ động và giáo viên cũng không biết rõ học trò có nghe giảng hay không, có hiểu bài hay không. Lớp học như vậy rất buồn tẻ.

Khi đi vào kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới, không thể duy trì mãi kiểu dạy học một người nói thay cho cả lớp. Phải làm thế nào để tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào tiết học, tạo mối tương quan giữa thầy và trò. Tương quan trong lớp học tức là khi giáo viên nói, học sinh hiểu và phải thể hiện được sự hiểu biết của các em. Qua đó, giáo viên nắm bắt được trình độ học sinh và điều chỉnh phương pháp cũng như nội dung giảng dạy cho phù hợp.

* Những giáo viên tham gia vào dự án thường nói nhiều đến phương pháp KUA. Bà có thể nói rõ hơn về phương pháp này?

- KUA là chữ viết tắt của những từ Knowledge (kiến thức), Understanding (hiểu) và Application (áp dụng). Chẳng hạn, khi giáo viên chỉ cây quạt rồi hỏi học sinh “Đây là cái gì?”, học sinh trả lời: “Đây là cây quạt” thì các em chỉ nhìn, nhớ lại rồi trả lời chứ chưa suy nghĩ. Nếu giáo viên hỏi thêm “Vì sao cây quạt quay?”. Lúc đó, học sinh không thể trả lời ngay và giáo viên có thể gợi ý bằng cách ngắt điện để xem cây quạt có tiếp tục quay hay không. Như vậy, học sinh đã tập quan sát, tư duy để nhận biết, giải thích quạt quay là do dòng điện chạy qua. Qua giải thích của học sinh, giáo viên đánh giá được mức độ hiểu bài của các em để giảng dạy hiệu quả. Đến đây, giáo viên đã đạt được đến chữ K và U.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là chữ A- tức học sinh hiểu rồi thì có thể áp dụng gì và áp dụng như thế nào vào thực tế. Phương pháp KUA nhấn mạnh đến việc ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Bởi kiến thức là hành trang của cả cuộc đời, nếu hành trang đó mang nặng mà không sử dụng được thì vô ích. Kiến thức cung cấp cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi. Chẳng hạn, dạy về các nguyên tắc giữ gìn vệ sinh cho học sinh lớp 1, lớp 2. Ở lứa tuổi này, học sinh chưa cần biết vi trùng là gì nên không cần giải thích, nhưng cũng không thể cứ bảo các em rửa tay trước khi ăn mà không giúp các em hiểu tại sao phải rửa tay, việc rửa tay có ích lợi gì...

* Làm sao để tạo ra được sự thay đổi như thế, thưa bà?

- Sự thay đổi phải bắt đầu từ chính giáo viên. Để học sinh đi từ có kiến thức đến hiểu và áp dụng, đòi hỏi giáo viên phải xây dựng được hệ thống câu hỏi. Mọi người nghĩ rằng hỏi rất đơn giản, ai mở miệng ra cũng có thể hỏi được nhưng hỏi để giới thiệu kiến thức, để giải thích, tư duy (hiểu và sử dụng được kiến thức) là cả một chuỗi câu hỏi, từ đơn giản đến phức tạp.

Từ trước đến nay, giáo viên có thói quen trong sách có gì là cứ dạy hết cho học sinh. Rốt cuộc học sinh học xong bài mà không biết mình học cái gì. Để thay đổi tình trạng này, giáo viên phải nhìn vào bài học, tìm ý chính, xác định được trọng tâm vấn đề cần dạy cho học sinh để xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp.

Những câu hỏi: cái gì, ở đâu, khi nào... chỉ là những câu hỏi dữ kiện. Những câu hỏi tại sao, cách nào... là câu hỏi tư duy, bắt buộc người ta phải suy nghĩ. Giữa hai dạng câu hỏi này có liên quan chặt chẽ với nhau. Giáo viên không thể chỉ hỏi cái gì, ở đâu, khi nào... nhưng cũng không thể bắt ngay vào hỏi tại sao, cách nào... bởi học sinh không thể trả lời được. Các câu hỏi phải đi từ dễ đến khó và giữa các câu hỏi có mối liên hệ với nhau.

Những câu hỏi sẽ giúp giáo viên kiểm tra xem học sinh có hiểu bài hay không. Đồng thời, để học sinh suy nghĩ, phải tạo điều kiện cho các em trao đổi với nhau, tức tổ chức cho học sinh học nhóm.

* Nhiều giáo viên ngại tổ chức cho học sinh học nhóm vì lớp học ồn ào, khó quản lý học sinh. Theo bà, tổ chức học nhóm như thế nào để đạt hiệu quả cao?

- Có nhiều cách học nhóm. Có thể tổ chức cho 2 học sinh ngồi cùng bàn với nhau thành nhóm hoặc 4 học sinh ngồi ở 2 bàn gần nhau ghép lại thành nhóm. Nhiều hơn nữa thì có nhóm 5 học sinh, nhóm 6 học sinh, nhóm 8 học sinh v.v... Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, chia nhóm có quá nhiều học sinh sẽ làm cho việc thảo luận bị loãng đi. Thông thường, mỗi nhóm không nên quá 6 học sinh. Thời gian dành cho học sinh thảo luận phải vừa đủ với vấn đề nêu ra. Nếu thời gian ít quá, học sinh không kịp suy nghĩ và phát biểu; ngược lại, nếu thời gian nhiều quá học sinh sẽ nói chuyện phiếm.

Khi ghép nhóm, giáo viên cũng nên lưu ý ghép chừa khoảng trống để có thể di chuyển đến từng nhóm. Trong khi các nhóm thảo luận, giáo viên không ngồi một chỗ mà phải đến với từng nhóm để xem học sinh thảo luận về vấn đề gì, cần giúp đỡ gì. Trong dạy học tích cực, giáo viên phải liên tục di chuyển để bao quát được hoạt động của tất cả các nhóm. Bên cạnh những nhóm thảo luận rất sôi nổi thì cũng có những nhóm học sinh không biết nói về vấn đề gì. Giáo viên phải theo dõi, quan sát để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ những nhóm như thế.

Trong học nhóm, giáo viên không chỉ gợi mở cho học sinh suy nghĩ, thảo luận mà còn phải giúp cho các em trình bày suy nghĩ để qua đó đánh giá được các em hiểu vấn đề đến đâu. Mỗi học sinh có một khả năng riêng, có em nói rất hay, trình bày vấn đề lưu loát, có em vẽ rất giỏi, có em lại diễn đạt tốt qua bài viết. Giáo viên phải nắm bắt được điều này để khơi gợi đúng khả năng của học sinh. Có thể ở nhóm này giáo viên yêu cầu học sinh trình bày thảo luận của nhóm trước lớp, nhưng ở nhóm khác giáo viên yêu cầu vẽ minh họa để trình bày ý kiến...

Giáo viên cũng cần lưu ý trong lớp có học sinh khá, giỏi, học sinh khá trung bình, yếu. Không nên chia nhóm toàn học sinh khá giỏi, nhóm toàn học sinh yếu mà mỗi nhóm phải vừa có học sinh giỏi, vừa có học sinh trung bình, yếu để các em giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Giáo viên cũng phải tạo điều kiện cho tất cả các nhóm trình bày vấn đề chứ không nên chỉ tập trung vào một nhóm. Có như vậy, tất cả các nhóm mới tích cực làm việc. Giáo viên phải nắm được sức học của từng học sinh, đưa ra câu hỏi hợp lý, vừa sức và kịp thời động viên, khơi dậy tinh thần ham học hỏi của học sinh chứ không phải chỉ chăm chăm vào những học sinh giỏi, “bỏ quên” học sinh yếu.

* Trường lớp ở ĐBSCL vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Từ kinh nghiệm thực tế, theo bà, giáo viên có thể đổi mới phương pháp giảng dạy trong điều kiện như hiện nay không?

- Trước đây, khi thực hiện dự án MHO do Trường Đại học Cần Thơ hợp tác với Hà Lan, tôi có làm việc với một số giáo viên THPT. Khi ngồi lại với nhau, câu đầu tiên giáo viên đưa ra là phải có máy này, thiết bị kia... mới có thể giảng dạy theo phương pháp mới. Nhiều người nghĩ rằng phải có máy móc mới có thể thay đổi phương pháp giảng dạy. Khi chúng tôi bắt đầu dự án “Kết hợp cải cách giáo dục với quản lý tài nguyên môi trường để xóa đói giảm nghèo ở ĐBSCL”, nhiều giáo viên cũng đưa ra yêu cầu như vậy.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ở những trường còn khó khăn, như các trường ở Hòa An, Tân Bình... của Phụng Hiệp, Hậu Giang, giáo viên vẫn có thể đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc xây dựng hệ thống câu hỏi, tổ chức học nhóm... phát huy tính năng động của học sinh không phụ thuộc gì vào thiết bị, máy móc. Vấn đề là giáo viên có mạnh dạn thay đổi và có chịu khó tư duy để thay đổi hay không.

* Xin cảm ơn bà!

SỸ HUIÊN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết